Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 15.3, gần 30 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình do có các biểu hiện đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... sau khi uống sữa Fami Kid được phát tại trường. Một số cháu có biểu hiện nhẹ hơn được gia đình đưa đến viện vào tối 15.3.
Theo kết quả xét nghiệm ban đầu của Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, các học sinh này bị ngộ độc sữa.
Kết quả xét nghiệm ban đầu của Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình cho thấy các cháu bị ngộ độc sữa.
Theo báo cáo số 589/BC–SYT của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ngày 26.03.2019: “Khi xảy ra vụ việc, Trung tâm y tế huyện Phú Bình đã tiến hành lấy mẫu sữa đậu nành Fami kid – socola sản xuất tại nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh – Chi nhánh công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, ngày sản xuất: 05.03.2019, hạn sử dụng 09.09.2019, số lô 0321 (lô sữa học sinh được phát uống ngày 15.03.2019) tại trường Tiểu học Nhã Lộng. Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên gửi mẫu kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia".
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: “Các chỉ tiêu kiểm nghiệm phù hợp với bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số: TCCS 01:2014/NMS cho sản phẩm sữa đậu nành Fami kid - socola (thuộc nhóm thực phẩm bổ sung) của nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy – Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã được cục an toàn thực phẩm xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 15686/2014/ATTP-XNCB ngày 28.08.2014. Các chỉ tiêu vi sinh vật, kim loại nặng và độc tố nấm không phát hiện”.
Sở Y tế Thái Nguyên kết luận: “Hiện tượng đối với các học sinh sau khi uống sữa tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên liên quan đến vấn đề không dung nạp sữa xảy ra ở một số trường hợp dẫn đến kích thích dạ dày - ruột, không phải là ngộ độc thực phẩm”.
Gần 30 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện ngộ độc sau khi uống sữa Fami Kid.
Ngay khi kết luận của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên được công bố đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo đó, trong mẫu phẩm mà Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên gửi đi kiểm nghiệm chỉ có mẫu thực phẩm, không có mẫu bệnh phẩm. Mặt khác, tỷ lệ học sinh bị ngộ độc tại Trường tiểu học Nhã Lộng theo số liệu báo cáo là 29/706 học sinh tương đương với tỷ lệ 4,2%. Liệu trong số mẫu thực phẩm mà Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm gửi đi kiểm nghiệm có bao gồm những mẫu thực thẩm mà 29 học sinh phải nhập viện đã uống?
Ngoài ra, ngày 15.3 là ngày thứ 2 học sinh Trường tiểu học Nhã Lộng uống loại sữa Fami Kid này và không hề xảy ra vấn đề "không dung nạp sữa" vào ngày đầu tiên.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Dương Hồng Thái – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (Chuyên ngành tiêu hóa) cho biết: Hiện tượng không dung nạp sữa, gây kích thích dạ dày cũng như kích thích ruột dẫn đến tình trạng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài… chỉ xảy ra đối với người ít sử dụng sữa và sữa đó là sữa tươi, sữa động vật. Còn đối với sữa thực vật (nhất là sữa đậu nành), ông chưa gặp bất cứ trường hợp nào và cũng chưa được tiếp cận bất cứ một tài liệu nào nói về tình trạng không dung nạp đối với sữa thực vật như vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình trong thời gian vừa qua.
Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên có vội vàng khi đưa ra kết luận: “Hiện tượng đối với các học sinh sau khi uống sữa tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên liên quan đến vấn đề không dung nạp sữa xảy ra ở một số trường hợp dẫn đến kích thích dạ dày – ruột, không phải ngộ độc thực phẩm” hay không? Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi của học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng trong vụ việc này?
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.