Đẩy giáo viên vào ngõ cụt
Chiều 9.3, có thể nói là ngày “ác mộng” đối với hàng trăm giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) khi lãnh đạo huyện thông báo họ sẽ không được đứng trên bục giảng, phải tìm việc làm khác thay thế.
Sau khi lãnh đạo huyện thông báo chủ trương, hàng trăm giáo viên đã òa khóc, kéo lên UBND huyện cầu cứu.
Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng ra về vì không gặp được người đứng đầu UBND huyện.
Cả trăm giáo viên kéo lên UBND huyện Krông Pắk kêu cứu khi được thông báo mất việc.
Cô T.T.T (Trường Tiểu học Hòa Tiến, xã Hòa Tiến) cho biết, năm 2014 được trường ký hợp đồng giảng dạy môn tiếng Anh. Toàn trường có 11 lớp phải học môn tiếng Anh, tuy nhiên chỉ mình cô là giáo viên dạy tiếng Anh. Thế nhưng, theo thông báo, cô vẫn phải chấm dứt hợp đồng để nhường cho các giáo viên trường khác vì dư thừa.
Cô T. đăng ký dự kỳ thi tuyển viên chức nhưng không được thi, lý do ngành giáo dục đưa ra, quy định phải có bằng sư phạm tiếng Anh, trong khi bằng cấp của cô chỉ là cử nhân tiếng Anh, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
“Quy định như ngành giáo dục giải thích có hiệu lực từ năm 2015, trong khi tôi được nhận vào trường trước đó. Mặt khác, nhiều giáo viên cũng bằng cấp như tôi vẫn được nhận vào dạy tại nhiều trường” – cô T. thắc mắc.
Cô T. cho biết, đã chuẩn bị nhiều câu hỏi, kiến nghị mong muốn được lãnh đạo huyện giải đáp, tuy nhiên chỉ sau ít phút thông báo chấm dứt hợp đồng, đại diện lãnh đạo huyện đã mời tất cả giáo viên ra về, không cho ý kiến.
Nhiều đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký tuyển dụng dư thừa hàng trăm giáo viên.
Tương tự, cô N.T.D (giáo viên Trường THCS Ngô Mây) đã òa khóc khi nghe thông báo sắp tới không được tiếp tục giảng dạy.
“Em được tuyển về giảng dạy từ tháng 4.2011. Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 7 năm đứng trên bục giảng. Đùng một cái huyện thông báo bọn em mất việc. Ai trả lại tuổi xuân cho bọn em, gia đình em, con cái em phải sống sao đây?” - cô D. bật khóc trước sân UBND huyện Krông Pắk.
Như bị đẩy vào ngõ cụt, khi một số phóng viên xuất hiện tìm hiểu sự việc, cô D. chỉ biết gào trong nước mắt “Các anh chị cứu em với, cứu những giáo viên bọn em ở đây với”.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Về việc ký tuyển dụng hơn 600 giáo viên hợp đồng dẫn đến dư thừa, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo UBKT tỉnh kiểm tra và đã có những kết luận về sai phạm.
Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) được xác định đã ký tuyển dụng, chỉ đạo ký tuyển dụng hơn 400 trường hợp.
Ngoài ra, khi làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, ông Kỷ còn để xảy ra nhiều sai phạm về tài chính, xây biệt thự trên đất nông nghiệp…Ông Kỷ đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Đến nhiệm kỳ ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016 - 2021) tiếp tục ký tuyển hơn 100 trường hợp. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã cho kiểm tra, nhưng đến nay chưa thấy công bố về kết quả kiểm tra.
Về giải pháp xử lý số giáo viên, lãnh đạo trường học tuyển dụng, bổ nhiệm dư thừa, UBND huyện Krông Pắk từng có đề án trình lên cấp trên, xin không tuyển mới giáo viên, bổ nhiệm lãnh đạo trường học nữa. Thay vào đó, sẽ “đôn” cấp phó ở các trường học lên làm lãnh đạo khi có người về hưu; luân chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, tổ chức thì tuyển biên chế giáo viên từ nguồn tuyển dụng dư thừa. Theo đề án, đến cuối năm 2019 sẽ cơ bản giải quyết được nguồn dư thừa này.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao ngày 9.3, UBND huyện này lại tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng, khiến hàng trăm giáo viên bức xúc.
Qua trao đổi với một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, vị này cho biết, nguồn cơn của việc tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên.
Theo đó, trước thời điểm năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều phải báo cáo lên Huyện ủy, phải được sự nhất trí, thông qua của Ban thường vụ Huyện ủy mới được tuyển.
Tuy nhiên, về sau này có quy định mới, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp được giao quyền cho chủ tịch huyện tự quyết. Không có sự giám sát, nên mới xảy ra việc mỗi đời chủ tịch lên thì ký tuyển dụng ồ ạt dẫn đến dư thừa hàng trăm giáo viên.
Vị này nêu quan điểm, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Theo đó, công chức, viên chức, người lao động căn cứ vào các bộ luật hiện hành, xét thấy việc tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng là trái quy định thì khởi kiện ra tòa.
Nếu đời chủ tịch huyện nào ban hành văn bản, ký quyết định sai luật gây thiệt hại cho người lao động, cho nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự bỏ tiền ra bồi thường.
Trùng Dương (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.