Mô hình này đang được triển khai tại xã Lương Mỹ (huyện Long Mỹ, Hậu Giang). Hiện đã có khoảng 10 hộ ở xã Lương Mỹ tham gia mô hình này. Mô hình do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Ánh Dương hỗ trợ.
Ban đầu, trung tâm đã hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, không tính lãi suất để làm nhà lưới sản xuất rau xanh an toàn các loại. Với diện tích khoảng 100m2, tiền để xây dựng nhà lưới này chưa đầy 1 triệu đồng, những diện tích lớn hơn vài ba trăm mét vuông thì chi phí làm nhà lưới khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng, bà con chỉ cần đầu tư thêm vài trăm nghìn đồng nữa để mua cây, lưới, dây kẽm… Kiểu nhà lưới này có khả năng sử dụng khoảng 3 năm sau đó chỉ lợp lại lưới và tiếp tục sản xuất rau.
|
|
Ưu điểm của mô hình này là cho thu hồi vốn và có lãi nhanh chóng. Bà con nông dân có thể canh tác đa vụ và đa chủng loại rau sản xuất ngay trong nhà lưới này liên tục trong năm và thu hoạch liên tục. Ông Danh Phil - một người tham gia mô hình này trong năm qua đã trồng tới 6 vụ/năm. Ông Danh Phil cho biết: “Rau được trồng nhiều loại như cải xanh, rau má, rau thơm, rau quế, ớt, rau bồ ngót… Góc này cho thu hoạch loại rau này, thì góc kia gieo trồng mới loại rau khác, cứ thế xoay vòng vừa cho thu nhập, vừa đáp ứng thị trường với số lượng vừa phải, vừa đáp ứng nhu cầu lao động, thời vụ rất nhịp nhàng và thuận lợi”.
Một hộ khác xây dựng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới là hộ ông Danh Phích, trong năm qua, ngoại trừ mấy tháng mùa mưa, còn lại 9 tháng đều cho thu hoạch với chỉ 100m2 nhà lưới giúp cho gia đình ông có thu nhập đều đều trong 9 tháng, mỗi ngày 100.000 đồng từ bán rau các loại. Tuy nhiên, vấn đề ông Danh Phích còn băn khoăn là, giá bán các loại rau sạch do ông sản xuất ra vẫn còn chưa cao mà ngang bằng với các loại rau sản xuất bình thường khác tại địa phương.
Ông Danh Phích nói: “Bà con ở đây chưa quan tâm rau sạch và rau không sạch khác nhau thế nào cả. Sở dĩ có lãi cao hơn là do sản xuất rau trong nhà lưới dễ quản lý và đặc biệt giảm chi phí bón phân (giảm phân hóa học, dùng phân hữu cơ sinh học) và giảm chi phí phun thuốc trừ sâu”.
TS Nguyễn Công Thành
Viện KHKT nông nghiệp miền Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.