Thu cả tỷ đồng mỗi vụ ngao

Thứ bảy, ngày 07/01/2012 11:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với diện tích nuôi ngao hơn 400ha, nông dân xã Nam Thịnh đã bước đầu nuôi ngao thương phẩm. Nhưng chỉ sau khi được học nghề bài bản, nông dân mới vững tin phát triển vùng sản xuất lớn.
Bình luận 0

Tận dụng đất bãi bồi

Nhằm tận dụng diện tích bãi bồi ven biển, mô hình nuôi ngao thương phẩm được người dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình) đưa vào nuôi từ năm 1993. Đến nay, con ngao đang trở thành hải sản chủ lực của địa phương, chiếm trên 70% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Nam Thịnh. Hiện sản lượng trung bình hàng năm ước đạt 20 nghìn tấn, trung bình mỗi hộ dân nơi đây thu về 1 tỷ đồng/vụ ngao.

img
Thu hoạch và chuẩn bị xuất bán ngao thương phẩm.

Từ năm 2010, nông dân ở đây được theo học các lớp đào tạo ngắn hạn về nuôi ngao đúng kỹ thuật, nhiều người tự tin làm ăn lớn, làm giàu từ chính vùng đất nghèo. Nông dân huyện Tiền Hải phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện đã mở các lớp đào tạo nghề nuôi ngao theo Đề án 1956 của Chính phủ.

Tại các lớp học, nông dân đã được dạy rất kỹ các quy trình để nuôi và kỹ thuật nuôi ngao để đạt chất lượng cũng như số lượng tốt nhất. Chính quyền địa phương cũng đã mở các lớp nâng cao về khoa học kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm, thường xuyên tổ chức hội thảo để các học viên trao đổi với nhau về kinh nghiệm sản xuất cũng như học hỏi từ các mô hình điểm nơi cửa biển.

Ông Trần Văn Giới- một nông dân học chăm, học giỏi nhất cho biết: “Sau khi tham gia khóa học, tôi nắm được các quy trình về kỹ thuật chọn giống, mật độ thả nuôi, xử lý môi trường, theo dõi con giống trước khi thả, làm đăng cọc đúng kỹ thuật… Có kiến thức, tôi áp dụng thành công vào sản xuất”. Vụ vừa qua, gia đình ông đã đầu tư để nuôi ngao thương phẩm trên 2,5ha, tổng chi phí bỏ ra 700 triệu đồng/vụ để mua con giống. Sau khi thu hoạch, gia đình ông Giới thu về hơn 2 tỷ đồng/vụ.

Chưa biết nên phải học

Nếu nói về kinh nghiệm, có lẽ không ai vượt mặt được nông dân xã Nam Thịnh trong hiểu biết về con ngao. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Sương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thịnh thì trước đó, người dân thường khai thác ngao tự nhiên, chưa có khái niệm nuôi ngao.

Gần đây, người dân mới quây bãi bồi nuôi thả nhưng năm trúng năm mất và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Khi thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, nông dân ở đây đã đăng ký học nghề nuôi ngao - nghề đang gắn bó với họ. Nói như ông Giới là “chưa biết nên phải học”. Trải qua những khó khăn về vốn, kỹ thuật ban đầu cho đến nay một số hộ nông dân đã có được thành công nhờ nuôi ngao thương phẩm.

Hiện tại ngao của xã Nam Thịnh được đem tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và xuất khẩu sang EU và Trung Quốc.

Ông Trần Văn Sương cũng cho biết, để đảm bảo ngao đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như làm đúng kỹ thuật nuôi ngao, các chuyên gia - giảng viên đã xuống tận các đầm nuôi hướng dẫn nông dân. Có rất nhiều kỹ thuật mà “không nói thì bà con còn mơ hồ”- ông Sương bày tỏ.

Sau lớp học, bà con đã thuộc nằm lòng các điều kiện để con ngao phát triển tốt như ngao có thể sống được ở vùng trung, hạ triều đến nơi có độ sâu 5 - 10m, bãi nuôi thường là bãi triều, các eo vịnh có sóng nhỏ, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn (trong đó cát chiếm 70 - 80%), độ mặn 15 – 25‰, thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày.

Ông Bùi Kiến Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho hay, với hiệu quả kinh tế to lớn mà con ngao đem lại, chính quyền xã Nam Thịnh đã xác định đây là hướng đi chủ yếu trong cơ cấu phát triển kinh tế địa phương. Và việc học nghề đã giúp kinh tế phát triển vững và đúng hướng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem