Thú chơi chạm khảm "lên ngôi": Thợ khảm mộc làm không hết việc

Thứ năm, ngày 22/12/2011 14:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy năm trở lại đây, thú chơi sập gụ, tủ chè chạm khảm một thời gian dài im ắng đang rộ trở lại ở đất cảng, đặc biệt là những dịp giáp Tết. Nhờ vậy, những thợ làm đồ chạm khảm ở đây hiện làm không hết việc.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Thị Huệ - chủ cửa hàng bán đồ gỗ kiêm chủ xưởng mộc ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên cho biết: “Người chơi thích đồ gỗ trạm khảm vì nét đẹp tinh tế của nó hơn hẳn các sản phẩm đồ gỗ thông thường. Hơn nữa, một số sản phẩm mô phỏng những đồ gỗ chạm khảm xưa nên hấp dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là những gia đình có điều kiện. Vì vậy, hầu hết các cửa hàng ở trên địa bàn Hải Phòng đang có xu hướng kinh doanh mặt hàng đồ khảm này”.

img
Thợ khảm mộc ở Đồng Minh, Vĩnh Bảo sống khỏe vì thú chơi đồ khảm đang trở lại trên đất cảng.

Thợ có đất sống

Sản phẩm đồ gỗ chạm khảm khá đa dạng về chủng loại: Tranh, bàn ghế, giường, tủ chè, sập gỗ, vỏ đồng hồ quả lắc... Giá trị của phần chạm khảm phụ thuộc vào cách khảm, chất liệu gỗ. Theo các chủ cửa hàng bán đồ gỗ, người tiêu dùng thích chọn mua nhất là tranh khảm chìm trên chất liệu gỗ mun, gỗ trắc và phải đặt hàng mới có. Đa số tranh chạm khảm làm bằng gỗ gụ, mức giá khoảng 10-20 triệu đồng/bức, theo nhiều đề tài như: Vinh quy bái tổ, Tùng lộc, Tứ quý, Tùng cúc trúc mai, Hồng lâu mộng...

Người tiêu dùng còn chuộng nhiều sản phẩm đồ gỗ trạm khảm như tủ chè, lọ lục bình, bàn ghế... Các sản phẩm này phải là chất gỗ thịt, được chạm khảm chìm. Do công chạm khảm cầu kỳ, tinh xảo nên giá các đồ gỗ loại này bao giờ cũng cao. Tủ chè thấp nhất 7-8 triệu đồng/chiếc, cao thì hơn 100 triệu đồng/chiếc nếu làm chất liệu gỗ đẹp. Các loại bàn ghế chạm khảm từ 15-30 triệu đồng/bộ. Những thợ khảm mộc một thời phải chật vật với nghề thì nay không chỉ tìm được “đất sống” mà rất được các chủ hiệu bán đồ gỗ trọng vọng, mời gọi.

Nhu cầu sử dụng đồ gỗ chạm khảm gia tăng, vài năm trở lại đây thợ khảm có điều kiện nâng cao thu nhập. Làng nghề mộc Kha Lâm, quận Kiến An là nơi có nhiều thợ khảm. Họ không chỉ nhận đơn đặt hàng chạm khảm của các “cai” đồ gỗ ở Kha Lâm, mà còn từ người chơi.

Làm không hết việc

Chạm khảm trai, ốc vốn là nghề truyền thống lâu đời, phát triển mạnh ở một số làng nghề thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Từ cái nôi này, những người thợ đi khắp nơi để làm nghề, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Hải Phòng là điểm dừng chân của nhiều thợ khảm giỏi nghề đến từ các làng nghề nổi tiếng ở các tỉnh bạn. Làng nghề Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cũng có nhiều thợ giỏi nghề chạm khảm.

“Địa phương đã mở lớp dạy nghề mộc, chạm khảm mộc cho ND. Nghề này không khó, nhưng đòi hỏi người học phải có tính cần cù, tỉ mỉ và yêu nghề. Thời gian dạy nghề này cũng khá dài so với các nghề trồng trọt, chăn nuôi khác. Nhưng bù lại, lớp thợ nào ra nghề là có việc làm ổn đỉnh với mức lương khởi điểm từ 2 triệu đồng/ tháng”- anh Vũ Văn Hùng, thợ khảm ở làng nghề mộc Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo cho biết.

img Nếu có nhiều đơn đặt hàng, chăm chỉ, cần mẫn thì thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày không phải là khó. Thợ khảm bình thường cũng có thu nhập 120.000 đồng/ngày. img

Những người thợ giỏi nghề làm không hết việc, đặc biệt là những ngày cuối năm này. Ông Vũ Văn Minh - thợ khảm lâu năm ở làng nghề mộc Kha Lâm phấn khởi: “Nếu có nhiều đơn đặt hàng, chăm chỉ, cần mẫn thì thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày không phải là khó. Thợ khảm bình thường cũng có thu nhập 120.000 đồng/ngày. Làm nghề khảm đến khi nào không còn sức để làm nữa thì thôi vì nó không nặng nhọc, nên tôi rất yên tâm với nghề mang cuộc sống ấm no cho gia đình tôi”.

Nghề chạm khảm đã giúp gia đình ông Minh ổn định cuộc sống và nuôi 2 con học đại học. Ông Minh cho biết, nhiều thợ khảm khác ở các tỉnh bạn về thành phố lập nghiệp. Ở làng nghề mộc Kha Lâm, nhiều người sau một thời gian học nghề đã trụ vững và có thu nhập ổn định cho gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem