Thủ đô Hà Nội quyết giữ “lá cờ đầu” xây dựng nông thôn mới

Thiên Ngân - Nguyễn Văn Thứ tư, ngày 13/02/2019 19:35 PM (GMT+7)
Với thành tích có 4 huyện và gần 83,7% tổng số xã đã về đích nông thôn mới (NTM), Hà Nội được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Trong năm 2019, thành phố đặt mục tiêu có thêm 30 xã đạt chuẩn...
Bình luận 0

Về đích trước 2 năm 

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong năm 2018, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6%, đánh dấu một bước phát triển mới trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp khi cơ cấu chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,86%; trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 42,7%.

Về kết quả xây dựng NTM, đến nay Thủ đô đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đã được thẩm tra, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố để trình Bộ NNPTNT xem xét, thẩm định. Toàn thành phố cũng có 323/386 xã (chiếm 83,68%) được  công nhận đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

img

   Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao của Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).  I.T

Thống kê riêng năm 2018, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là trên 11.396 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của nhân dân khoảng 541 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy, từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã chung tay, hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 421 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Những con số này là minh chứng cho thấy đời sống nông dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng cao, cụ thể là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016) xuống 1,81% (cuối năm 2018). Cũng trong năm qua, Hà Nội đã hỗ trợ trên 423 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 4.166 nhà cho hộ nghèo...

 Cũng theo Sở NNPTNT Hà Nội, từ 2016 đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn là 28.863,7 tỷ đồng, riêng năm 2018 là hơn 11.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động xã hội hóa đạt 3.211,6 tỷ đồng (riêng năm 2018 đạt tới 1.655,2 tỷ đồng).

Đề cao nguyên tắc công khai, dân chủ

Để giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, ông Chu Phú Mỹ - Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP.Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Song song với đó, thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Hà Nội cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đôn đốc các huyện, thị xã triển khai xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 – 2020 theo Quyết định số 4212/QĐ-UBND của UBND thành phố. Huy động đa dạng các nguồn lực xây dựng NTM từ đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và từ các quận.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.

Năm 2019, Ban chỉ đạo Chương trình 02 đề ra 2 mục tiêu, 3 nhóm nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững, an toàn thực phẩm, phấn đấu mức độ tăng trưởng từ 2,5-3%; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao lên 35%.

Phấn đấu có thêm 30 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM; 60 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 87,5%...

Về mục tiêu năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019, tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM ở các huyện, xã đã đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu xuyên suốt. Do đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề; phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Đồng thời, phát triển hệ thống dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem