Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Tiêu hủy đúng quy trình, bớt gánh nặng với nông dân

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 10/09/2021 09:30 AM (GMT+7)
Theo Cục BVTV (Bộ NNPTNT), thời gian qua việc thu gom bao bì thuốc BVTV đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp ở các địa phương, nhiều nơi còn chưa chú trọng.
Bình luận 0

Các điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng chỉ tập trung chính ở các vùng sản xuất lúa mà chưa triển khai rộng ở các vườn cây ăn trái, rau màu và các cây trồng khác.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Cục BVTV, từ 2013 đến nay, việc áp dụng các mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường, mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các tỉnh, thành trong cả nước đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL xây dựng 189 mô hình trên diện tích 9.221ha với 8.676 nông dân tham gia và đặt 837 bể chứa bao bì thu gom, Trong đó, giai đoạn 2019-2020, vùng này xây dựng được 22 mô hình, thu gom và tiêu hủy được hơn 85 tấn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Tiêu hủy đúng quy trình, bớt gánh nặng với nông dân - Ảnh 1.

Nông dân thu gom bao bì thuốc BVTV tại xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Vũ Hằng

Ông Võ Quan Huy cho hay: Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV chia sẻ: Hiện nay Luật BVTV và thông tư liên tịch giữa Bộ NNPTNT và Bộ TNMT (Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng) đã có quy định rõ về quy định thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện các quy định này cũng không mang lại nhiều hiệu quả tại các địa phương. "Vừa qua, chúng ta cũng phát động chương trình tự nguyện đến hiệp hội, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nguồn lực cho công tác thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV và đã có kết quả khá tích cực"-Cục trưởng Cục BVTV cho hay.

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành BVTV sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình thực tế về sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, an toàn và hiệu quả, kết hợp với hoạt động tập huấn, truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho người dân. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng chương trình thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ra các tỉnh, thành phố và gắn với các vùng trồng được cấp mã số.

Cần có giải pháp khuyến khích nông dân

Trao đổi tại một hội nghị trực tuyến do Cục BVTV tổ chức mới đây, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) cho rằng, bao bì thuốc BVTV sau khi thu gom phải xử lý và tiêu hủy đúng quy trình với nhiệt độ cao tại các đơn vị được cấp phép.

Để giải quyết vấn đề rác vỏ bao thuốc BVTV, ông Huy cho rằng: Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, nông dân và cả doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thuốc BVTV.

Doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV nên trích một phần kinh phí kinh doanh thuốc để trả cho đối tượng thu gom rác vỏ bao gói thuốc tại địa phương. Việc thu gom bao bì thuốc BVTV là ý thức của người dân, nhưng nếu có quy định, chế tài, chế độ khuyến khích thì sẽ tốt hơn.

Nói về quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho rằng: Hiện, giá để tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV ở mức quá cao.

"Nếu chúng ta để giá tiêu hủy cao quá thì sẽ nặng gánh cho nông dân. Vì thế, tôi đề nghị cần điều chỉnh lại giá tiêu hủy loại rác này cho phù hợp. Theo tôi, chúng ta cần tính giá tiêu hủy riêng bao bì thuốc BVTV là 560.000 đồng/kg..." - ông Sơn kiến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem