Vùng đất mà cựu chiến binh Nguyễn Lam Sơn (ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) bỏ công sức khai hoang, trước đây bị giặc Mỹ rải chất độc hóa học khiến cho không một cây trồng, vật nuôi nào sống nổi.
Ông Sơn bắt đầu khai hoang vùng đất này vào năm 1990. Lúc đó, cả vùng này là đồi núi, đồi gò trơ sỏi đá. Tốn khá nhiều công sức, thời gian, ông mới tạo được mấy chục ha đất có thể sản xuất được. Ban đầu, ông trồng đậu, chuối, sắn, nuôi gà, vịt… Năm 1991, ông nhận hơn 20 con bò của dân trong vùng về nuôi rẽ.
|
Với 6 sào ao nuôi cá, mỗi năm ông Sơn lãi hơn 30 triệu đồng. |
Tích lũy được ít vốn, ông đào ao thả cá, trồng mía. Tuy nhiên, đến gần ngày thu hoạch thì mưa to, nước lũ làm vỡ ao, cá trôi hết theo lũ. Mía lại rớt giá thê thảm. Ông Sơn tâm sự: "Sau thất bại ấy, tôi đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi, phòng trường hợp rủi ro".
Đến nay, gia đình ông đã có một trang trại tổng hợp với tổng diện tích gần 40ha, trong đó có 10ha keo lai; 15ha trồng các loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao, như sến, lát hoa, xà cừ; 6 sào ao nuôi cá; 2ha vườn cây ăn trái; 5 sào ruộng; hệ thống chuồng trại với hơn 20 con bò, 50 con dê. Ông Sơn cho biết, trung bình mỗi năm trang trại cho lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Thật ra, đất của ông không chỉ chừng đó. Năm 2003, ông nhường 10ha đất trang trại của mình cho 5 hội viên cựu chiến binh, con cựu chiến binh để họ làm ăn. Ông vận động bà con trong vùng cải tạo đất hoang để sản xuất. Ông hỗ trợ nguồn giống, chỉ bảo kỹ thuật tận tình cho bà con. Ông Sơn tâm sự: "Hồi chiến tranh, tôi hoạt động ở vùng này (ông Sơn quê Thanh Hóa - PV). Lúc đó, tôi đi đến đâu cũng được bà con cưu mang, che chở. Tôi luôn tri ân cái tình đó. Vì vậy, giúp được gì cho bà con là tôi sẵn sàng".
Ngọc Viên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.