Thu hẹp đối tượng cho vay

Thứ hai, ngày 23/05/2011 03:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (thay thế Nghị định 78/2002/NĐ-CP). Rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sẽ bị thu hẹp.
Bình luận 0

Chỉ còn 3 đối tượng thụ hưởng

img

Giải ngân vốn hộ nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn ở xã Thu Phong, Cao Phong, Hoà Bình

Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo được Chính phủ ban hành nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Theo đó Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam được thành lập năm 2002 trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua 9 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH đã có mạng lưới từ T.Ư đến địa phương. Với 63 chi nhánh cấp tỉnh và Sở giao dịch; 612 Phòng giao dịch cấp huyện, trên 8.500 điểm giao dịch cấp xã, hơn 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng CSXH được Chính phủ giao thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách, với hàng chục triệu lượt đối tượng được thụ hưởng.

Dự thảo Nghị định mới do Bộ Tài chính vừa xây dựng tại Chương II, Điều 8 quy định đối tượng vay vốn chỉ gồm: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; hộ đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn và HS-SV là con hộ nghèo. So với Nghị định 78, đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thu hẹp. Theo đó, nhiều chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; vay làm nhà cho hộ nghèo... sẽ không còn.

Theo ý kiến của nhiều ngành, địa phương, việc sửa đổi, bổ sung một Nghị định đã kéo dài gần 10 năm là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế, song với dự thảo mới, đối tượng cho vay sẽ thu hẹp. Điều này sẽ ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiếp tục chăm lo tới các chính sách an sinh xã hội (ASXH), nhất là ở nông thôn và ND.

Cần có lộ trình thích hợp

Tính đến 31.3.2011, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH cho vay 97.818 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 36.125 tỷ đồng (chiếm 39%); cho vay giải quyết việc làm 4.608 tỷ đồng (5%); cho vay HS-SV có hoàn cảnh khó khăn 29.036 tỷ đồng (31%)...

Ông Tống Minh Diễn - Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Trà Vinh cho rằng, mô hình hoạt động của Ngân hàng CSXH rất phù hợp với thực tế. Vấn đề, Nhà nước cần tiếp tục có những đổi mới về chính sách tín dụng ưu đãi từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế, đảm bảo ASXH tốt hơn. Việc rà soát lại đối tượng vay vốn ưu đãi là cần thiết, nhưng không nên thu hẹp nhiều đối tượng như trong dự thảo Nghị định mới về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác mà Bộ Tài chính vừa xây dựng.

Theo ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, việc đột ngột giảm đối tượng thụ hưởng sẽ ảnh hưởng đến việc ASXH mà trong đó tín dụng ưu đãi là một trong những công cụ hữu hiệu mà Việt Nam đã có kinh nghiệm từ 9 năm qua.

Việc phân định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay hết sức khó khăn. Ông Lương Tiến Đạt-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, hộ có thu nhập 400.000 đồng/tháng là hộ nghèo, nhiều hộ có thu nhập 410.000 đồng/tháng lại không phải hộ nghèo. Nếu theo dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính thì hộ cận nghèo không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. ASXH hướng tới hộ cận nghèo thì mới đảm bảo được sự bền vững, lâu dài...

Bà Khúc Thị Duyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình nhìn ở khía cạnh khác: Nguồn vốn Ngân hàng CSXH cần gắn với xây dựng mô hình nông thôn mới. Ngoài cho vay phát triển kinh tế, học tập cần duy trì cho vay nước sạch- vệ sinh- môi trường. Bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem