Thu hồi ngay dự án rừng, biển kém hiệu quả

Thứ hai, ngày 01/11/2010 05:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho nước ngoài thuê đất rừng tràn lan, kém hiệu quả, NTNN đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Bình luận 0

Thưa ông, vấn đề nhiều người bức xúc là vì sao lại cho "người nước ngoài" thuê rừng mà không phải là doanh nghiệp và người dân trong nước đầu tư...

img
Ông Nguyễn Đình Xuân

- Thực ra thì doanh nghiệp (DN) trong nước cũng được thuê, nhưng diện tích thuê chưa có thống kê đầy đủ. Vả lại hiệu quả kinh tế của các dự án này nói chung là thấp, nên mức độ quan tâm cũng chưa cao... Vấn đề là hiện các địa phương cho nước ngoài thuê diện tích rừng quá nhiều! Hơn trăm nghìn đồng để được giao cả hecta rừng thì quả thật không có giá ở nước nào rẻ như vậy.

Dường như chúng ta đang cần một chính sách khuyến khích DN và người dân trong nước đầu tư, để "người Việt làm chủ đất rừng Việt", thưa ông?

- Nếu DN và người dân có quan tâm các dự án đi nữa thì việc tiếp cận các nguồn vốn là rất khó khăn, thủ tục pháp lý phức tạp, rườm rà và cũng chưa được ưu đãi cụ thể. Nhiều DN cho rằng, quy trình thủ tục thuê đầu tư phát triển rừng của chúng ta hiện nay quá nhiêu khê, quá nhiều cửa...

Đối với rừng sản xuất, người dân được hỗ trợ giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng khoảng 2 triệu đồng/ha. Chừng đó là chưa cao và số người thụ hưởng cũng rất ít. Còn rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, số tiền hỗ trợ được hơn 10 triệu đồng/ha cho mỗi hộ dân trồng và chăm sóc rừng trong 5 năm đầu tiên. Số này chỉ đủ cho người dân trồng rừng thôi.

img Có những khu vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ ven biển, như: Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tà Cú (Bình Thuận)... đất ven biển gần như bị cho thuê làm du lịch. Điều đó là không phù hợp với quy luật tự nhiên và sẽ thay đổi hệ sinh thái ven biển, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống người dân. img

Ông Nguyễn Đình Xuân

Trong khi chờ rừng lớn lên, họ cần vốn để đầu tư trồng xen, làm kinh tế phụ như chăn nuôi "lấy ngắn nuôi dài" để cải thiện cuộc sống và chờ thu hoạch rừng... Họ đang rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hiện tôi cũng chưa thấy chính sách nào ưu đãi đặc biệt, dành riêng cho DN và người dân trong nước so với nước ngoài.

Liệu dừng các dự án đã phê duyệt có phát sinh vấn đề pháp lý, bồi thường hợp đồng đối với DN nước ngoài hay không?

- Thực tế thì phần lớn các dự án này đều chưa triển khai, hoặc chậm tiến độ... Theo luật, chúng ta có quyền thu hồi. Nếu dự án nào đã triển khai rồi mà thấy không hiệu quả và ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, quan điểm của tôi là phải thu hồi, kể cả phát sinh vấn đề bồi thường cũng nên làm ngay!

Trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương như thế nào đối với các dự án kém hiệu quả và gây bức xúc dư luận như vậy?

- Tôi nghĩ trách nhiệm như thế nào cần phân tích cụ thể. Luật chúng ta cho phép nước ngoài thuê đất rừng đầu tư chứ không cấm. Nhưng để được thuê, họ phải có đủ điều kiện và thực hiện các bước thủ tục pháp lý cụ thể.

Cần rà soát lại từng dự án một, xem quá trình phê duyệt, cấp phép và triển khai đúng chưa; Có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng không; Có tác động đến dân sinh không? Nếu họ làm đúng và đủ mà vẫn phát sinh mâu thuẫn như vậy, Quốc hội cần xem lại luật có phù hợp thực tế hay không. Còn nếu họ làm sai, thì quy trách nhiệm theo từng thẩm quyền, vị trí, từng khâu cụ thể...

Cấp phép dự án ồ ạt mà triển khai và hiệu quả quá kém. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông đánh giá thế nào?

- Tôi cho rằng có một số bất ổn trong các dự án nói trên. Vì thẩm quyền cho thuê đất rừng có quy định rõ ràng, ví dụ như các dự án dính dáng tới an ninh quốc phòng phải có khảo sát và phê duyệt của Bộ Quốc phòng; thậm chí dự án "nhạy cảm" phải trình Quốc hội. Nhưng nhiều dự án vừa qua cả Chính phủ cũng không biết. Vì thế, tôi cho rằng các dự án này "có vấn đề" về thủ tục!

Ngoài đất rừng, người dân đang rất lo ngại chuyện cho thuê mặt biển và bờ biển. Ông có ý kiến gì về vấn đề này không?

- Tôi từng phát biểu vấn đề này trước Quốc hội. Rừng và biển đều là sở hữu toàn dân. Nhưng thực tế là "bằng cách nào đó", địa phương đang chuyển quyền sử dụng ấy cho tư nhân mà chưa đánh giá đầy đủ về hiệu quả và tác động dân sinh, môi trường... Tất cả các bãi biển đẹp nhất hầu như đều thuộc về các resort. Điều này là bất hợp lý! Có thực hiện đấu giá hay chưa, hay chỉ cấp thông qua cơ chế "xin cho" (?) Cần phải được xem xét lại một cách đầy đủ. 

img
Để khuyến khích người dân giữ, phát triển rừng, chính sách hỗ trợ cần phải được thay đổi. Ảnh minh hoạ chụp tại Bắc Yên, Sơn La.

Theo tôi, chỉ cấp phép có hạn định và ở những vị trí hợp lý, đồng thời phải có đấu giá các dự án bãi biển đẹp này để đảm bảo lợi ích quốc gia và người dân không bị xâm hại. Hiện đã có tình trạng “xí” đất, chạy dự án, đầu cơ đất ven biển để trục lợi... bất chấp tác động lâu dài làm ảnh hưởng đến môi sinh. Tôi rất lo ngại!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem