Xung quanh vấn đề này, hôm qua đã có nhiều chủ DN, chủ trang trại, chuyên gia kinh tế lên tiếng.
Ông Đinh Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà: Cần quy hoạch diện tích đất cụ thể
Đối với ngành chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là chăn nuôi bò giống và bò thịt với tổng đàn từ vài chục đến cả trăm nghìn con như chúng tôi, rất cần có chuồng trại, diện tích đồng cỏ lớn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tỉnh đều chưa có quy hoạch đất đủ lớn cho việc trồng cỏ làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi quy mô lớn. Chính vì thế, khi thành lập dự án, chính quyền địa phương đều gặp khó khăn trong việc giao đất, cho thuê đất phục vụ dự án.
TH True Milk đã tích tụ được diện tích đất lớn ở Nghệ An để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò sữa. Ảnh: C.V.D
Thông thường, với những dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn, để có đủ diện tích rộng liền vùng, liền thửa, chính quyền địa phương vì lợi ích kinh tế xã hội phải ra quyết định thu hồi phần lớn diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi. Những vướng mắc trong thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang trồng cỏ, bắp, đậu tương... phục vụ chăn nuôi đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạo, và rất mất nhiều thời gian.
Thạc sĩ Lê Thị Tú Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP: Tăng vai trò nhà nước trong chuỗi liên kết
Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Tôi nhận thấy việc thiết lập chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo sạch – chất lượng cao giữa người nông dân, doanh nghiệp kỹ thuật, DN bao tiêu sản xuất gạo là vấn đề cấp thiết hiện nay. Việc thay đổi thói quen canh tác của nông dân là một việc làm khó. Muốn thiết lập thành công chuỗi liên kết cần phải có sự ủng hộ triệt để của Nhà nước trong việc tuyên truyền, giám sát và đưa ra các chính sách để động viên DN, nông dân tham gia chuỗi. Các chương trình tuyên truyền, vận động cần dài hạn, thiết thực, tránh hô hào vận động theo hình thức, trên nói dưới không nghe…
Bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc HTX Rau an toàn Tự nhiên (Sơn La): Khó tiếp cận nguồn vốn
Từ 19 hộ thành viên và 7,5ha đất rau ngày thành lập, sau 5 năm, HTX Rau an toàn Tự Nhiên phát triển lên 37 hộ thành viên, 13,7ha đất rau. Năm 2015, HTX cung cấp ra thị trường trên 357.000 tấn rau củ quả sạch, đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng. Về hiệu quả, thu nhập từ trồng rau cao hơn lúa ngô rất nhiều. Trên 1.000m2 đất sản xuất rau an toàn, mỗi hộ thành viên HTX trồng mỗi năm 2 vụ cà chua, đã có thu từ 70 - 90 triệu đồng. HTX đang mở rộng diện tích trồng trọt lên 25ha, nhằm đáp ứng sản lượng các loại rau củ quả an toàn ngày càng tăng. Bạn hàng của HTX chủ yếu là các chuỗi siêu thị Hà Nội của Tổng Công ty Nhất Nam, Metro, Siêu thị Chất Việt. Nhưng để cung cấp đủ rau cho Hà Nội, HTX muốn mở rộng sản xuất nhưng thiếu đất, thiếu vốn để mua xe chở rau, đầu tư xây kho lạnh, xây nhà sơ chế, nếu phải đi vay ngân hàng thì thực tế họ rất “dị ứng” với HTX.
Ông Nguyễn Thể Hà – Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ nông gia ĐBSCL: Hãy cho chúng tôi cơ chế!
Thực tế là DN tham gia vào nông nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nói ra thì buồn, nhưng chúng tôi phải mua gom 100ha đất với giá 2,5 tỷ đồng/ha, đắt hơn thị trường 20%, nhưng 4 năm vẫn chưa xong giấy tờ. Nhất là thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất xây dựng nhà máy và trồng cây nguyên liệu hay thủ tục xét duyệt phương án bảo vệ môi trường cho các nhà máy.
Chúng tôi cũng kiến nghị một số giải pháp trong thủ tục chuyển quyền sử dụng đất như: Đưa ra bộ hướng dẫn chi tiết, thậm chí là có mẫu sẵn về các giấy tờ DN cần làm để được chuyển đổi quyền sử dụng đất, thuê đất và chỉ cần doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ này là được chuyển đổi.
Bên cạnh đó, cần quán triệt cán bộ văn phòng “một cửa” ở các ngành, khi nhận hồ sơ của các cá nhân, DN phải xem xét và có câu trả lời ngay về bộ hồ sơ, thủ tục đã đầy đủ hay chưa, vướng ở đâu và thời gian hoàn thành là khi nào? Hãy cho chúng tôi cơ chế, cho chúng tôi mua đất đàng hoàng.
TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KHĐT): Chính sách nhiều, quan trọng là thực hiện
Đúng là, chỉ với 1% số DN trên cả nước đầu tư vào nông nghiệp thì quá thấp, trong khi Nhà nước đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tam nông. Thực tế, lĩnh vực nông nghiệp sinh lời ít và rủi ro cao nên từ trước tới nay DN cũng không “mặn mà”. Trước những khó khăn như thế, muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần có những cơ chế chính sách đặc thù như: Chính sách đất đai cần thông thoáng hơn về thời gian cấp đất, cho thuê đất, giá thuê đất và đặc biệt là cần tiến tới có sở hữu tư nhân về đất đai.
Về vốn, chính sách tín dụng cũng có nhiều rồi quan trọng là thực hiện như thế nào. Các vấn đề khác như đẩy mạnh hợp tác giữa DN với nông dân, liên kết sản xuất theo chuỗi... để làm sao vừa hỗ trợ được cho DN phát triển nhưng cũng vừa đảm bảo quyền lợi cho người nông dân cũng cần được triển khai. Nếu không có giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn cho DN, cả năm nếu nông nghiệp tăng trưởng âm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.