Thủ khoa thất nghiệp nuôi lợn: Có năng lực sao phải chờ “xếp chỗ”?

Vũ Mạnh Cường Thứ hai, ngày 09/10/2017 15:57 PM (GMT+7)
Chính sách trải thảm đỏ tuyển dụng thủ khoa ở một vài địa phương đã vô hình trung khiến nhiều thủ khoa trở nên thụ động.
Bình luận 0

Câu chuyện về một thủ khoa tốt nghiệp Đại học hơn một năm nay thất nghiệp, phải bán rau, nuôi lợn đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều bạn đọc thể hiện sự cảm thông, chia sẻ. Cũng có ý kiến nói ngành giáo dục, chính quyền địa phương chưa tạo điều kiện cho người tài.

img

Thủ khoa chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ để người mới ra trường có công việc tốt. Ảnh minh họa. Nguồn IT 

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng đã là thủ khoa, có năng lực thì không phải thụ động chờ người khác “xếp chỗ”. Dân Việt xin giới thiệu bài viết thể hiện một góc nhìn riêng của ông Vũ Mạnh Cường – nhà báo kiêm giảng viên về báo chí, truyền thông về vấn đề này. 

Thủ khoa là người có nỗ lực trong học tập và đạt được thành tích tốt trong mấy năm ngồi trên ghế trường đại học. Những thành tích học tập luôn đáng hoan nghênh, nhưng đó chỉ là điều kiện cần, không là điều kiện đủ để giúp người mới ra trường có một việc làm tốt.

Chính sách trải thảm đỏ tuyển dụng thủ khoa ở một vài địa phương đã vô hình trung khiến nhiều thủ khoa trở nên thụ động. Họ ngồi chờ xem bao giờ thì thảm đỏ được trải ra và mình có thể ung dung bước lên tấm thảm đó.

Đó là suy nghĩ sai lầm.    

Tôi biết một số thủ khoa không hề thực sự là người giỏi và năng động. Họ học gạo và với kiểu thi cử như hiện nay ở nhiều trường đại học, các sinh viên này cứ tằng tằng nhận được điểm tốt sau mỗi kỳ thi. Và xã hội lẫn chính bản thân họ tưởng rằng họ giỏi thật.

Những sinh viên ấy mải mê học gạo mà quên trang bị cho mình những kỹ năng mềm. Họ cũng ít chịu va chạm với xã hội để có trải nghiệm giao tiếp thực tế.

Đã có những câu chuyện dở khóc dở cười về những trường hợp thủ khoa. Được tuyển dụng vào cơ quan, họ không biết phải thực hiện công việc như thế nào.

Người tuyển dụng lúc đó mới vỡ lẽ ra thủ khoa chỉ giỏi những kiến thức mà nhà trường truyền thụ, trong khi công việc thực tế lại khác xa một trời một vực.

Cách đây hai năm, Thành đoàn Hà Nội dẫn nguồn từ Sở Nội vụ Hà Nội cho hay thủ khoa ở một số trường sau khi được thành phố tuyển dụng về công tác đã không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chẳng nhẽ phải phân công người đào tạo lại thủ khoa cho thích hợp với công việc?

Và đã có những thủ khoa phải lặng lẽ nghỉ việc...

Dạy đại học, tôi thường không đánh giá cao các sinh viên chỉ biết chúi đầu chúi mũi vào học. Tôi thích những sinh viên biết suy nghĩ, thích sáng tạo, thích làm mới, không ngại thử nghiệm và dám đương đầu với thất bại.

Gần hai chục năm tham gia giảng dạy tại các trường đại học, tôi thấy những sinh viên tốt nghiệp loại khá, thậm chí trung bình khá thường thành đạt hơn so với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

Thế nên các bạn thủ khoa hãy thực tế. Điểm số chỉ là thành tích xếp loại học kiến thức của bạn ở trường đại học. Khi ra đời bạn trở nên bình đẳng như những người khác. Há miệng chờ sung thì sung hoặc không rụng, hoặc khi rụng đã có người khác nhanh tay hơn hứng mất rồi.

Do vậy, đừng ỉ lại vào thành tích học tập, mà hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm thực tế. Nếu bạn không chứng tỏ được bạn cần đối với nhà tuyển dụng và đem lại lợi ích thật sự cho họ qua công việc, thì chuyện phải chấp nhận làm lao động chân tay là viễn cảnh rất thực tế. Hãy tự mở cánh cửa cho chính mình.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít bài do Dân Việt đặt lại. 

>>> XEM THÊM: Gặp cụ già 80 tuổi nhổ đinh kiếm sống gây xôn xao cộng đồng mạng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem