“Thủ lĩnh” Hội xây ấp đảo đáng sống

Trần Đáng Thứ hai, ngày 20/05/2019 20:06 PM (GMT+7)
Từ một ấp đảo thiếu mặc, đói ăn, chỉ sau thời gian xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG), ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM) đã “lột xác”.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội ND huyện Cần Giờ Lê Văn Được nhận xét: “Góp công không nhỏ cho sự đổi thay này là sự phấn đấu chuyển đổi cơ cấu sản xuất của bà con nông dân thuộc Chi bộ nông dân ấp Thiềng Liềng, mà chủ xị là ông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi - Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Thiềng Liềng)”.

Đi tiên phong…

img

  Ông Năm Đổi (bìa phải) cùng với nông dân vui mừng với mô hình nuôi cua thương phẩm thành công. T.Đ

“Không chỉ bản thân nhiệt tình hỗ trợ phong trào NTM, ông Năm Đổi còn vận động các gia đình khác tích cực hưởng ứng, tham gia và cùng nhau chung sức xây dựng NTM trên địa bàn xã, huyện và thành phố. Ông còn vận động hội viên nông dân trong chi hội tham gia học nghề lao động nông thôn…” - anh Hậu, cán bộ UBND xã Thạnh An cho biết.

Mất hơn 1 tiếng với 2 chuyến đò, chúng tôi mới tới được ấp đảo Thiềng Liềng. Hòn đảo nhỏ với khoảng 200 hộ dân từng chỉ biết bám vào hạt muối để sống, giờ đã thấy ao cua, ao tôm “da beo” với ruộng muối. Nghề nuôi trồng thủy sản xuất hiện ở đây là một tín hiệu đáng mừng cho đời sống bà con ấp đảo.

Ông Năm Đổi kể, năm 1973, trong một lần đi cào lưới trên sông Lòng Tàu, cha con ông Năm Đổi đã phát hiện ốc đảo cô độc này. Năm 1974, cha con ông bắt đầu thực hiện khát vọng khai hoang hòn đảo với 50ha. “Lúc bấy giờ trên ốc đảo này, ngoài gia đình tôi thì không có một ai. Đi đâu cũng thấy dấu chân thú hoang” - ông Năm Đổi thổ lộ.

Dần dà, dân miền Tây kéo tới “định cư” trên ốc đảo. Đa số làm nghề đánh bắt cá và làm muối. Với những kinh nghiệm truyền thống, họ đã nhìn thấy những điều kiện đặc biệt phù hợp với nghề muối của vùng đất này. Đó là độ mặn của nước biển, ánh nắng gắt, quanh năm lộng gió. Và cứ thế, nghề muối truyền thống đã tạo nên một vùng dân cư với "thương hiệu" muối Thiềng Liềng.

Ngành nông nghiệp thành phố đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên ấp đảo. Ông Năm Đổi lại là người “đứng mũi, chịu sào”.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn  - Chủ tịch UBND xã Thạnh An, năm 2016, xã đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ cho bà con và cấp phát bạt nhựa cho các hộ trong địa bàn làm muối sạch. Ông Năm Đổi đã mạnh dạn đầu tư 5.000m2 bạt nhựa trên 5ha đất sản xuất muối. Cứ sau mỗi vụ muối, thu nhập bình quân của ông đạt khoảng 300 triệu đồng.

Ông Năm Đổi còn nuôi tôm trên ruộng muối theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ông cho biết, tranh thủ 6 tháng mùa mưa, ruộng muối bỏ không, ông thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản ngay trên ruộng muối. Vụ tôm thí điểm với 1,5ha ông đã thu được 6 tấn tôm thẻ, bỏ mối cho chợ Bình Điền với giá 120 triệu đồng/tấn. Không chỉ chuyển sang nuôi tôm, ông còn nuôi cua biển thương phẩm với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp thành phố.

Và khuấy động phong trào sản xuất…

Cùng với việc thành phố triển khai chương trình xây dựng NTM, điện đã vượt biển về thắp sáng ấp đảo Thiềng Liềng. Việc khuấy động phong trào NDSXKDG bằng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả của ông Năm Đổi với nông dân trên ấp đảo lại càng có cơ hội phát triển. Theo ông Năm Đổi, từ chỗ đa số hộ dân chỉ biết làm muối hay đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ, giờ nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cua, nuôi tôm với lợi nhuận thu về khá lớn. “Vai trò của ông Năm Đổi trong việc phát động phong trào NDSXKDG trong Chi hội ND ở ấp Thiềng Liềng rất hiệu quả. Bằng chứng là nhiều hộ nông dân sau thời gian chuyển đổi mô hình sản xuất từ khó nghèo giờ đã vươn lên khá giả” - ông Được cho biết.

Không chỉ là tấm gương SXKDG, theo UBND huyện Cần Giờ, ông Năm Đổi còn là một trong những điển hình trong phong trào xây dựng NTM. Ông Năm Đổi cho biết, hòa chung phong trào xây dựng NTM của địa phương, gia đình ông đã hiến 13.000m2 đất sản xuất muối để làm đê bao nội đồng nhằm phục vụ cho sản xuất muối của các hộ diêm dân trong diện tích 80ha được thuận lợi. “Trước đây, tuyến đê bao này chỉ được làm tạm bợ nên đôi khi một số đoạn đê bị triều cường tràn qua gây thiệt hại khá lớn cho diêm dân làm muối” - ông Năm Đổi thông tin.

Cái ấp đảo Thiềng Liềng vốn dĩ ngày nào im lìm, quạnh quẽ, giờ vui hẳn với tiếng máy chạy sản xuất, tiếng karaoke xập xình… Nhìn đám thanh niên dập dìu đi phượt trên con đê, trong đó có không ít khách du lịch nước ngoài, lão nông Năm Đổi cười tươi: “Không ngờ cũng có ngày ấp đảo này vui như thế”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem