Các tỷ lệ cây luồng đều tăng
Theo TS Đặng Thịnh Triều (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) - Chủ nhiệm dự án, rừng luồng bị thoái hóa do 3 nguyên nhân chính: đất xấu, sâu bệnh và khai thác quá mức. Đặc biệt, việc khai thác quá mức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cũng như năng suất cây luồng. Nguyên nhân tình trạng này chủ yếu là do người dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng và khai thác, dẫn đến nhiều diện tích luồng được trồng tại một số lập địa không thích hợp như trên đỉnh đồi, đất lẫn nhiều đá; măng, thân luồng bị khai thác tuỳ tiện...
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con bọc nylon cho măng luồng phòng sâu vòi voi gây hại.
“Đặc điểm phát triển của luồng là hàng năm sinh măng, do vậy, nếu trồng một lần, có thể khai thác trong nhiều năm. Trong quá trình kinh doanh, nếu không bổ sung phân bón thì đất sẽ bị bạc màu, khiến rừng luồng nhanh bị thoái hóa, năng suất sinh khối rừng luồng bị giảm sút” – TS Triều nhận định.
Theo đó, trong 3 năm triển khai tại các địa phương, dự án đặt mục tiêu phục hồi 182ha rừng luồng bị thoái hóa và trồng mới 165ha, trong đó phục hồi 102ha đất xấu, 70ha do khai thác quá mức, 70ha do sâu bệnh... Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và được cán bộ kỹ thuật xuống tận thực địa hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, cải tạo đất và xây dựng quy trình khai thác khoa học, bền vững.
Đánh giá kết quả bước đầu thực hiện dự án, TS Triều cho biết, sau hơn 2 năm xây dựng mô hình, cây luồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, tỷ lệ luồng loại 1, 2 tăng với đường kính bình quân tăng trên 8cm, chiều dài hàng hóa cây luồng đạt hơn 8m, hệ số sinh măng đạt trên 90%. Ở một số địa phương, luồng đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn hộ dân miền núi, vùng cao.
Thu nhập 17 triệu đồng/ha/năm
Quan điểm
Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác mới nên rừng luồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất dự kiến tăng gần gấp đôi so với phương thức canh tác cũ nên thu nhập có thể đạt tới 15 – 17 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hà Văn Thanh ở xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông có 2ha luồng tham gia mô hình. Trước đây, ông vẫn khai thác theo phương thức cũ, không thường xuyên chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất rừng luồng thấp, thu nhập chỉ đạt 10 – 12 triệu đồng/ha/năm. “Từ khi tham gia mô hình, phần lớn diện tích luồng nhà tôi đã được trồng bổ sung, thay thế. Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác mới nên rừng luồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất dự kiến tăng gần gấp đôi so với trước nên thu nhập có thể đạt 15 – 17 triệu đồng/ha/năm”.
Chị Mè Thị Kiều – 1 trong 29 hộ tham gia mô hình ở xóm Dưng, xã Hiền Lương (Đà Bắc, Hòa Bình) cho biết: “Nhờ được dự án hỗ trợ cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên đến nay, hơn 2ha rừng luồng nhà tôi cũng như các hộ khác đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống ở những cây trồng mới đạt trên 93%. Cứ đà này, năng suất và sản lượng thu hoạch chắc chắn sẽ tăng, giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập”.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hồng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, dự án phục hồi rừng luồng đang mang lại lợi ích kép cho địa phương- vừa góp phần cải tạo đáng kể diện tích rừng luồng bị thoái hóa, vừa giúp bà con nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập. “Với đặc điểm bám đất và giữ đất tốt nhất trong các loại cây rừng, có rừng luồng nông dân sẽ còn nguồn nước dồi dào để canh tác lúa ở thung lũng, qua đó nguồn nước sinh hoạt cũng được cải thiện. Nhất là đầu ra không phải lo vì luồng là nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp giấy, thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu” - ông Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.