Theo Tổng cục Hải quan, số thu đạt khá do giá dầu thô tăng kéo theo giá của một số sản phẩm như: khí đốt, chất dẻo, hóa chất... tăng; giá sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép tăng mạnh giúp tăng thu từ nhóm hàng này.
Ngoài ra, lượng ô tô nguyên chiếc các loại được các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu cũng tăng gấp 1,6 lần. Năm 2021, nhiều dự án điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án.
Đặc biệt, trong 11 tháng của năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 599,11 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020 và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay.
Nhờ đó, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Trung ương.
Tổng cục Hải quan cho biết, để đảm bảo nhiệm vụ trong những ngày cuối cùng của năm 2021, cơ quan hải quan vẫn đang đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, nhất là kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành...
Bên cạnh đó, rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt.
Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu có rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế; rà soát số thuế phải hoàn của năm 2021, thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 1/2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.