Bán gạo không đủ mua thức ăn chăn nuôi
Sản lượng lúa sản xuất ra trong những năm gần đây ở nước ta đã liên tục tăng nhờ vào các giống lúa có năng suất ngày càng cao. Nếu cách đây 5 năm, tổng sản lượng lúa chỉ dao động trong khoảng 37-38 triệu tấn, thì trong 2 năm trở lại đây, sản lượng luôn duy trì ở mức 45-47 triệu tấn. Chính điều này đã gây áp lực lên thị trường, nhất là xuất khẩu, khiến nguồn cung lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng dư thừa. Ngược lại, diện tích ngô trong những năm gần đây lại liên tục giảm, ngay như vụ đông xuân năm nay đã giảm tới 29.600ha, chỉ còn 580.000ha với sản lượng đạt 2,5 triệu tấn. Đậu tương giảm chỉ còn 69.000ha với sản lượng vỏn vẹn trên 77.000 tấn.
Nông dân huyện Tân Trụ, Long An thu hoạch lúa. Ảnh: Mạc Li
Đó cũng là lý do chính dẫn tới việc nhập khẩu ngô trong 6 tháng đầu năm tăng kỷ lục, đạt 3,27 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu 744 triệu USD. Trong khi đó, theo dự báo của Tập đoàn Bunge (Mỹ)- doanh nghiệp chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, nhu cầu nhập khẩu ngô của Việt Nam hàng năm khoảng 3,5-4 triệu tấn, với diễn biến 6 tháng đầu năm, con số này trong cả năm nay chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 950.000 tấn đậu tương với giá trị 438 triệu USD. Nếu cộng tất cả các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta đã đạt 1,78 tỷ USD (tăng gần 8%), trong khi đó xuất khẩu gạo chỉ đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm hơn 10,5%. Nguyên nhân theo đánh giá là do, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp đặc biệt là giá xuất khẩu thấp, bình quân chỉ đạt trên 435 USD/tấn gạo.
Chậm chuyển đổi vì vướng mắc về kinh phí
Từ giữa năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 580 về việc hỗ trợ chuyển đổi 112.000ha đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang trồng cây màu, chủ yếu là ngô với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để mua giống. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến nay các địa phương ở ĐBSCL mới chuyển được 53.800ha, mà chủ yếu chuyển sang cây mè (vừng)- một loại cây quen thuộc ở đây, còn diện tích ngô chuyển đổi mới đạt vỏn vẹn có trên 6.100ha.
Đại biểu Quốc hội Danh Út (Kiên Giang) cho biết: “Hiện tại, vẫn còn 5/11 tỉnh ĐBSCL nằm trong kế hoạch chuyển đổi chưa thực hiện chủ trương này, tức cấp tiền hỗ trợ cho bà con nông dân để chuyển đổi. Các tỉnh đều cho rằng, hiện họ không có kinh phí để thực hiện, mặc dù chính sách đã sắp hết hạn”.
Theo quy hoạch định hướng đến năm 2020 đã được Bộ NNPTNT đưa ra, trong 5 năm tới đây, cả nước cần chuyển đổi 700.000-800.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Do đó, Bộ đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện Quyết định 580. Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi hỗ trợ chuyển đổi từ vụ hè thu 2015 đến hết năm 2020 tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, ĐBSCL, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cụ thể, hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi, với giống ngô không vượt quá 3 triệu đồng/ha, giống cây trồng hàng năm khác không vượt quá 2 triệu đồng/ha và trên cùng diện tích chuyển đổi chỉ được hỗ trợ một lần.
Loay hoay khâu giống
Một trong những nguyên nhân khiến bà con nông dân chưa mặn mà chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô do năng suất của ngô còn thấp, trung bình chỉ đạt quanh ngưỡng 4,4-4,6 tấn/ha, còn thấp hơn cả lúa. Trong khi đó, theo tính toán năng suất tối thiểu phải đạt 6 tấn/ha trở lên với giá bán 5.000 đồng/kg người dân mới có lãi.
Hiện nay, sau khi được Bộ NNPTNT công nhận một số giống ngô biến đổi gen, một số đơn vị đã bắt đầu trồng khảo nghiệm giống ngô này, bởi theo đánh giá, đây là những giống ngô có tiềm năng năng suất cao, có thể đạt từ 8-12 tấn/ha. Nông dân Lưu Văn Trần, Xóm Sai Cả, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vụ đầu tiên trồng giống ngô kháng sâu đục thân, đục bắp chia sẻ: “So với trồng giống ngô truyền thống, đến nay tôi chưa thấy ngô bị sâu phá hoại, riêng tiền thuốc phải phun trừ đã giảm được 1 triệu đồng/2.000m2 (tương đương 5 triệu đồng/ha).
Ông Lê Thanh Hải- cán bộ khuyến nông xã Sơn Hùng cũng nói: “So với giống truyền thống, ngô chuyển gen sau khi thu hoạch có thể đạt từ 6-8 tấn/ha, cao hơn so với ngô truyền thống từ 1 đến hơn 2 tấn/ha. Sau thời gian tham gia khảo nghiệm mô hình giống ngô chuyển gen đã giúp nông dân vừa tiết kiệm được công lao động, chi phí mua thuốc trừ sâu, ruộng đồng vừa được bảo vệ khỏi các ảnh hưởng do sâu hại cắn phá và cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại”.
Trao đổi với NTNN, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng cho rằng: “Tôi thấy trên thế giới họ đã ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là cây trồng biến đổi gen rất nhiều và thực tế hàng năm chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều ngô, đậu. Vậy thì tại sao chúng ta lại không cho trồng đại trà cây trồng này để vừa giảm chi phí nhập khẩu, vừa chủ động được nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi trong nước”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để người dân chủ động chuyển đổi cây trồng nhất thiết chúng ta phải giải quyết được khâu giống, nhằm đảm bảo năng suất, có như thế nông dân mới làm.
Khảo nghiệm 5 năm theo chuẩn mực quốc tế
Đánh giá về cây trồng biến đổi gen, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trong gần 5 năm, chúng tôi tổ chức những thí nghiệm, những khảo nghiệm theo đúng chuẩn mực quốc tế để cuối cùng đi đến kết luận, những cây trồng này an toàn về mặt sinh học, sinh thái, an toàn đối với gia súc và an toàn đối với con người khi mà áp dụng toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm giống, phân bón, thuốc trừ cỏ. Chúng tôi đã chứng minh và có những cơ sở khoa học để khẳng định điều đó”. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhìn rộng ra khắp thế giới, hiện nay đã có hơn 25 nước có trồng cây trồng biến đổi gen và họ làm ra, khoảng 80% bông, 50% đỗ tương và trên 30% sản lượng ngô của toàn thế giới trồng bằng cây trồng biến đổi gen. Những khảo nghiệm ở ngoài nước và ở trong nước cho thấy rằng, trồng cây trồng biến đổi gen sẽ đem lại cho người trồng trọt thu nhập cao hơn. Chúng tôi tính như thế là có lợi cho người nông dân cũng như cho cả quốc gia.
Hải Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.