Tập trung vào 6 sáng kiến
Theo TS Robert Zeigler – Giám đốc IRRI, với những lợi thế cạnh tranh mang tính chất truyền thống như giá lao động thấp, chất lượng thấp – số lượng nhiều, nguồn tài nguyên đang trong tình trạng cảnh báo, tỷ lệ tăng trưởng đầu ra giảm sút, xuất khẩu gạo gắn với hình ảnh chất lượng thấp, đặc biệt là thu nhập của nông dân trồng lúa quá thấp... thì đã đến lúc ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam (VN) phải có những thay đổi mạnh mẽ.
Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưng thu nhập của người nông dân trồng lúa Việt Nam lại quá thấp. L.H.T
Theo đó, các nhà khoa học của IRRI đã đưa ra 6 sáng kiến cần tập trung trong giai đoạn 2015 – 2020: Lai tạo các giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản, đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước; Xây dựng thương hiệu gạo VN; Giảm tổn thất trước và sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở địa phương vì một chuỗi giá trị đàn hồi; tiếp cận những nông hộ quy mô nhỏ; các biện pháp chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển lúa gạo chất lượng, toàn diện.
Trên cơ sở đó, IRRI sẽ triển khai các bước gồm thiết lập các quy trình và tiêu chuẩn về giống, nghiên cứu thông tin thị trường, chọn giống chất lượng cao, thiết lập vùng sản xuất và xây dựng nguồn lực đang bị thiếu hụt; làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để xây dựng thương hiệu cho gạo VN... Theo IRRI, tổng chi phí để triển khai các sáng kiến này vào khoảng 30 triệu USD.
Không thể trì trệ nữa
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao 6 sáng kiến IRRI đưa ra và các sáng kiến sẽ được tổ biên tập tập hợp lại nhằm góp phần thực hiện đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Trong đó, chúng tôi rất quan tâm tới việc tổ chức lại sản xuất. Theo khảo sát, chi phí sản xuất lúa gạo tại VN đang ở mức cao nhất thế giới, nhất là chi phí về phân bón, thuốc BVTV. Do đó, việc cần ưu tiên hiện nay là phải có một quy trình/gói kỹ thuật lúa gạo hoàn thiện hơn cho từng vùng sản xuất”.
Quan điểm
Ông Lê Quốc Doanhi •
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Lâu nay Bộ NNPTNT vẫn đầu tư cho các viện, trường nghiên cứu giống, nhưng hướng tới đây là sẽ khuyến khích tư nhân tham gia vào chương trình này. Nếu chúng ta chỉ loay hoay ở các cơ quan công lập sẽ không khai thác được hết tài nguyên trí tuệ và sẽ vẫn không thể đưa được những giống lúa tốt đến với nông dân”.
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cũng nhấn mạnh: “Tôi rất tâm đắc với những giải pháp của IRRI nhằm tái cấu trúc ngành lúa gạo VN, đặc biệt là chọn giống là giải pháp số 1. Từ các yêu cầu về chính trị, nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu…, ngành lúa gạo không thể trì trệ hơn nữa, phải thay đổi. Tôi đề nghị trong vòng 5 – 10 năm tới phải đặc biệt chú ý việc xây dựng giống; xây dựng các văn bản luật cho ngành giống và tiến tới công nghiệp hóa ngành giống”.
Cùng trăn trở về vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Dương Văn Chín – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lúa (Công ty CP BVTV An Giang) cho biết đơn vị đang có chủ trương liên kết với Vinafood 2 để cùng 14 DN thành viên trở thành đầu mối thu mua các loại gạo tại ĐBSCL, đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm gạo chất lượng để khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế, giúp nông dân yên tâm làm ăn trên vùng nguyên liệu với sự có mặt của DN.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Chủ trương tái cấu trúc ngành là nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất bền vững và cái này chủ yếu thuộc đầu ra, nhưng thực tế hiện nay nông dân lại đang lãng phí đầu vào (thuốc trừ sâu, phân bón, nước, giống…). Ví dụ, ở đồng bằng sông Hồng hiện chỉ dùng 30kg giống lúa/ha, nhưng ĐBSCL vẫn gieo tới 120 – 200kg/ha, rất lãng phí… “Do đó, phải có cách giảm đầu vào để giảm chi phí sản xuất, như vậy năng suất lúa có thể không tăng thêm, nhưng nông dân vẫn đảm bảo thu nhập” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.