“Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết

Ngọc Hải - Hải Yến Thứ tư, ngày 03/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Làng Phúc Am thuộc xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội thường được biết đến bởi nghề đan rổ rá đã có từ lâu đời. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, nơi đây đã trở thành “thủ phủ” của nghề làm vàng mã. Vào mỗi dịp gần Tết, làng Phúc Am lại nhộn nhịp với hàng tấn vàng mã được chuyển đi khắp nơi trên mọi miền tổ quốc.
Bình luận 0

Vào những năm 80 của thế kỉ trước, làng Phúc Am thuộc Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội là một trong những ngôi làng nổi tiếng về nghề truyền thống mây tre đan và sản phẩm chính là rổ rá. Tuy nhiên hơn 10 năm trở lại đây, làm vàng mã lại trở thành nghề chính ở nơi đây. 

Video: “Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết

Từ việc sản xuất vàng mã, cuộc sống của người dân trong làng đã trở nên ổn định và khấm khá hơn nhiều so với ngày xưa. Cứ thế, cho đến nay, làng Phúc Am dần dần trở thành "thủ phủ" sản xuất vàng mã ở phía Bắc. Các đơn đặt hàng từ những nơi tâm linh như đền, chùa cũng ngày càng nhiều lên. Thậm chí, đã có nhiều đơn hàng từ các tỉnh phía Nam cũng đã được người dân làng Phúc Am nhận và sản xuất.

“Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết - Ảnh 2.

Người dân làng Phúc Am giờ đây chủ yếu sản xuất vàng mã. (Ảnh: Ngọc Hải)

Tết ông Công ông Táo và Tết nguyên đán Tân Sửu đang cận kề. Đây là lúc các cơ sở vàng mã của làng nghề truyền thống Phúc Am đang hối hả chuẩn bị những đơn hàng để kịp đưa ra thị trường.

“Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết - Ảnh 2.

Các sản phẩm phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo năm nay với mẫu mã đẹp, bắt mắt. (Ảnh: Ngọc Hải)

Gia đình ông Phùng Văn Vinh là cơ sở duy nhất chuyên sản xuất các sản phẩm ông Công ông Táo theo quy trình thủ công tại làng. Được biết, những sản phẩm hàng mã đều được gia đình ông làm hoàn toàn thủ công và tất cả các chi tiết đã được chuẩn bị trước từ mùa hè. Vì công đoạn làm khá cầu kỳ và tốn thời gian nên mỗi vụ, gia đình ông chỉ sản xuất được khoảng hơn 500 bộ. 

Theo tìm hiểu, cách làm thủ công như hộ gia đình ông Vinh vẫn được nhiều người trong khu vực và các tỉnh lân cận ưa chuộng, vì giá thành phù hợp và mẫu mã đẹp. Hầu hết những hoa văn, họa tiết trên những chiếc mũ đều tự dán bằng tay. Sử dụng hồ dán được pha chế riêng để tránh bị chuột ăn. Cách làm này giúp tiết kiệm giá thành mua keo dán và bền hơn so với mặt hàng khác. 

“Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết - Ảnh 3.

Ông Phùng Văn Vinh làm vàng mã ông Công ông Táo theo phương thức thủ công. Được biết, những sản phẩm thủ công đều rất được ưa chuộng trên thị trường. (Ảnh: Ngọc Hải)

Cứ thế theo thời gian, theo năm tháng, nghề làm vàng mã tại làng Phúc Am, Thường Tín, Hà Nội đã trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mỗi người dân nơi đây. Những đôi tay khéo léo, nhanh thoăn thoắt của những người thợ thủ công đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt như voi, ngựa hay những sản phẩm phục vụ dịp lễ tết Ông công ông Táo. Khắp các nẻo đường, ngõ xóm trong làng, không khí sản xuất vàng mã để chuẩn bị cho nhu cầu người dân những dịp cận Tết đang trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. 

“Thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất Hà thành vào vụ Tết - Ảnh 5.

Khắp các nẻo đường, ngõ xóm làng Phúc Am đều không thể thiếu những sản phẩm độc đáo như voi, ngựa... (Ảnh: Ngọc Hải)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem