Thứ quả đặc sản không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng cúng Thánh ở Sơn Tây được đem đi thi

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 23/06/2023 18:41 PM (GMT+7)
Tối mai (24/6), tại khu vực Nhà hát Trung tâm Văn Hóa thể thao thị xã Sơn Tây, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) sẽ tổ chức hội thi mít năm 2023. Đây là lần thứ hai hội thi mít được tổ chức, sau thành công lần đầu vào năm 2022.
Bình luận 0

Nhiều năm qua, mít Sơn Tây đã trở thành đặc sản xứ Đoài, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Điều đặc biệt là chính cái nắng gay gắt đặc trưng của mảnh đất Sơn Tây đã cho ra đời những trái mít thơm ngon, múi to đều, màu vàng óng, ăn giòn ngọt.

Trải qua bao đời chọn lọc, trái mít Sơn Tây thuần chủng ngày càng trở nên nổi tiếng, đem lại thu nhập khá cho những hộ dân trồng mít, nhất là ở các xã như Sơn Đông, Cổ Đông, Xuân Sơn và Kim Sơn. Đặc biệt, trái mít là thứ không thể thiếu trong mâm hoa quả dâng cúng Thánh tại lễ hội đền Măng Sơn ngày 7 tháng Giêng hàng năm, thường là trái mít xanh hay còn gọi là mít chiêm.

Năm 2022, đặc sản mít Sơn Tây đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. 

Nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Mít Sơn Tây", đồng thời tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch đến với thành cổ Sơn Tây, vào 19h30 tối 24/6, thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức Hội thi mít năm 2023.

Thứ quả đặc sản không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng cúng Thánh ở Sơn Tây được đem đi thi - Ảnh 1.

Sản phẩm Mít Sơn Tây được nhiều người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn. Ảnh: Phan Thanh/sontay.gov.vn

Theo Ban Tổ chức, hội thi dự kiến thu hút sự tham gia của 20 đội đến từ các xã, phường, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Các đội trải qua 3 phần thi gồm: Chấm điểm hình thức quả mít; Thi trang trí đĩa (mâm) mít đẹp và thuyết trình về cây mít dự thi (nguồn gốc, tuổi cây, năng suất…); Thi chất lượng mít theo các tiêu chí: Độ dày cùi, độ giòn, ngọt, màu sắc, mùi thơm…

Mít dự thi phải là mít dai truyền thống, chín tới tự nhiên, không dùng thuốc dấm chín, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, có gai đều, màu đẹp, không vẹo, không sâu, không nứt. Quả mít dai dự thi phải có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, được lấy từ cây trồng trên địa bàn xã, phường, đơn vị dự thi.

Về cơ cấu giải, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 14 giải khuyến khích cho các đội tham dự.

Cũng tại hội thi, UBND thị xã sẽ bố trí khoảng 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Thứ quả đặc sản không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng cúng Thánh ở Sơn Tây được đem đi thi - Ảnh 2.

Ban Giám khảo chấm điểm trưng bày tại hội thi mít Sơn Tây năm 2022. Ảnh: baovanhoa

Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hàng ngàn cây mít cổ thụ, có cây lên đến gần 100 năm tuổi. Điều đặc biệt là cây mít dai ở đây càng to, càng lâu năm thì càng sai quả. Nhờ đó, chủ cây mít có thể thu về từ 3 - 5 triệu đồng/cây mít mỗi năm, cá biệt có những cây cho thu hoạnh lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Vì lí do đó, việc trồng mít đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế dành cho nhiều hộ nông dân tại thị xã Sơn Tây. 

Đơn cử như gia đình anh Phạm Xuân Trường (thôn Thiên Lộc) được biết đến là hộ trồng nhiều mít nhất ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, với khoảng 420 cây mít đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch khoảng 35-40 tấn mít. Với giá thị trường hiện nay, sau khi trừ chi phí phân bón và nhân công, gia đình anh thu về trên dưới 500 triệu đồng/năm từ cây mít đặc sản.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem