Hoàng Ba Đình
Thứ hai, ngày 10/10/2022 10:18 AM (GMT+7)
TP.HCM cái gì cũng to, cái gì cũng lớn. Đường lớn, quán lớn, khu thương mại lớn, siêu thị lớn, tòa nhà lớn… Phố xá lại ngang dọc với hàng mấy ngàn con đường lớn nhỏ. Tuy nhiên, để có thể xác định con đường nào là con đường ngắn nhất ở Sài Gòn, có vẻ hơi khó.
Về câu hỏi này, nhận được nhiều câu trả lời từ nhiều cư dân ở các địa bàn khác nhau. Chị Tuyết Nga (Phú Nhuận) nêu ý kiến: "Theo tôi, con đường ngắn nhất phải ở Phú Nhuận. Với khu vực Phan Xích Long có đường Hoa Thị (dài 38 mét), Hoa Lài (dài 43 mét), Hoa Trà (dài 44 mét)…"
Còn với anh Duy Đặng (Thủ Đức) cam đoan ở Thủ Đức mới có đường ngắn nhất. "Ở Hiệp Phú, Thủ Đức, gần CoopMart Xa lộ Hà Nội, có đường Khải Định (dài 40 mét), đường Tản Đà (dài 45 mét)... Liệu đấy có phải là những con đường ngắn nhất chưa?"
Chị Trúc Trần (quận 4) lại nêu ý kiến khác: "Quận 4 mới sở hữu con đường ngắn nhất chứ nhỉ? Ở quận 4 có đường Đinh Lễ dài 56 mét. Tôi không rõ đây có phải con đường ngắn nhất chưa. Nhưng tôi cam đoan, đây là con đường độc đáo nhất. Bởi vì đây là con đường có duy nhất một số nhà, chính là chợ Xóm Chiếu".
Từ trong sách vở tìm ra con đường ngắn nhất ở TP.HCM
Nhưng những thông tin đấy đều mới từ chủ quan của những người cung cấp thông tin. Người ta bảo "nói có sách, mách có chứng". Để "nói có sách", thử tìm đến quyển Sổ tay tên đường ở TP.HCM do Lê Trung Hoa và Nguyễn Đình Tư biên soạn, NXB Trẻ 2013. Qua đó, đường Đỗ Văn Sửu (quận 5), dài 50 mét, là con đường ngắn nhất.
Thông tin chi tiết trong Sổ tay như sau: "Đỗ Văn Sửu. Đường nằm trên địa bàn phường 10, quận 5. Từ đường Lương Nhữ Học đến đường Vạn Kiếp, dài 50 mét, lộ giới 12 mét. Thời Pháp, đường mang tên Canal. Ngày 19/10/1955 đổi tên là Đỗ Văn Sửu cho đến ngày nay".
Thử tìm hiểu trên mạng cũng như báo chí thời gian gần đây, cũng có thêm nhiều thông tin hữu ích. Theo đó Năm 2016, một bạn trẻ 29 tuổi là Trần Đặng Đăng Khoa đã bỏ thời gian gần nửa năm tìm hiểu thông tin và thực hiện bộ ảnh chụp những con đường ngắn nhất Sài Gòn. Theo đó, Khoa xác định rằng con đường ngắn nhất Sài Gòn là đường Đỗ văn Sửu, nằm ở chân cầu Chà Và, quận 5.
Đỗ Văn Sửu là ai?
Cũng theo thông tin từ Sổ tay tên đường ở TP.HCM: "Đỗ văn Sửu quê ở Hà Tây, sống dưới triều Tự Đức, có sáng kiến dệt gấm bằng tơ lụa Hà Đông. Ông được xem là tổ sư giới dệt gấm".
Theo đó, Đỗ Văn Sửu là ông tổ nghề dệt gấm. Tuy vậy, con đường mang tên ông không phải nơi buôn gấm hay dệt gấm. Con đường này nằm trong khu vực buôn bán sầm uất của Chợ Lớn - Sài Gòn ngày xưa. Trong đó, dân cư ở đây chủ yếu là người Hoa, sinh sống ở Sài Gòn từ rất lâu đời. Đường này bán chủ yếu các mặt hàng cơ khí, phụ kiện ô tô. Theo những người sống lâu năm ở đây, việc buôn bán này chỉ diễn ra sau năm 1975. Còn trước đó, khu vực này vốn là khu dân cư.
Vậy tính ra, Đỗ Văn Sửu có dính líu với Sài Gòn lắm đấy chứ. Ông này tổ nghề lụa Hà Đông. Lụa Hà Đông lại được giới tiểu thư Sài Gòn ưa chuộng. Tiểu thư Sài Gòn chuộng lụa Hà Đông đến mức nhà thơ Nguyên Sa phải viết trong bài Áo lụa Hà Đông như sau:
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng...".
Dĩ nhiên, đoạn thơ này còn trở nên lừng lẫy hơn khi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc bài thơ này. Bài hát cũng có cùng tên với bài thơ Áo lụa Hà Đông. Vậy là, nếu không có tổ nghề lụa Hà Đông, thì Sài Gòn đã thiếu một cặp tác phẩm thơ – nhạc cực kỳ nổi tiếng đi vào lòng người.
Nhận thấy thông tin này khá thú vị, anh Huy Mía (quận Tân Bình) nói: "Tôi có ý này. Sau này ai mà quay MV về bài hát Áo lụa Hà Đông, nên chăng quay thêm vài cảnh ở con đường Đỗ Văn Sửu này.
"Nắng Sài Gòn" trên con đường mang tên ông tổ nghề lụa Hà Đông. Thế còn gì bằng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.