Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì về vấn đề tăng học phí, giáo viên nghỉ việc?

Q. Nguyễn Thứ bảy, ngày 05/08/2023 17:23 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/8, báo chí đã nêu câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc xét tuyển đại học đang diễn ra, từ đó, đề nghị cho biết những điểm mới khó khăn và thuận lợi trong năm 2023. Đồng thời, việc điều chỉnh không tăng học phí theo nghị định 81 của Chính phủ, nhưng các trường đại học, đặc biệt là đại học tự chủ gặp khó khăn. Vậy giải quyết vấn đề thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì về vấn đề tăng học phí, giáo viên nghỉ việc? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Chính phủ

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình xét tuyển đại học có những khó khăn nhất định, nhưng cơ bản đã có những thành công và được đánh giá cao.

Theo ông Sơn, năm nay Bộ GD-ĐT không điều chỉnh quy chế tuyển sinh, mà sửa đổi về kỹ thuật. Cụ thể là thực hiện chủ trương chuyển đổi số, bộ đã tích hợp hệ thống hỗ trợ tuyển sinh từ các nguồn dữ liệu kết quả thi phổ thông, học bạ, đánh giá năng lực thi tuyển sinh ở các trường, kết quả xét tuyển sớm, tạo thuận lợi cho thí sinh ở các trường đại học.

Thêm vào đó, năm nay thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển, khắc phục tình trạng nhầm lẫn của một số thí sinh trước đây khi xét tuyển, mà chọn ngành, chọn trường.

"Việc lựa chọn sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh. Việc xét tuyển và thanh toán lệ phí cũng sẽ thông suốt hơn so với trước", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Về vấn đề học phí, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em.

"Bộ chỉ đạo thực hiện theo yêu cầu Chính phủ, nhưng đây là thách thức lớn", ông cho hay.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học chiếm tỉ trọng lớn từ 50%-90%. Về lâu dài, giáo dục phổ thông mang tính phúc lợi, do ngân sách nhà nước đảm bảo nên bày tỏ mong muốn địa phương quan tâm giúp giáo viên yên tâm làm nghề, khắc phục và giảm thiểu hiện tượng giáo viên nghỉ việc.

Đối với giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu.

Do đó, giáo dục đại học gồm có cơ chế tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.

Các chính sách về học phí (nghị định 60 và nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

"Do đó, Bộ GD-ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp", ông Sơn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem