Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói về kỳ thi quốc gia: Hầu như thí sinh gửi hồ sơ là chắc đỗ

Tùng Anh (ghi) Thứ bảy, ngày 09/08/2014 11:07 AM (GMT+7)
Trong mấy năm gần đây, Bộ GD ĐT liên tục đưa ra những thay đổi trong các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH CĐ  và mới nhất là các phương án cho kỳ thi quốc gia chung….Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh.
Bình luận 0

Bên lề cuộc họp báo 8.8, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với thứ trưởng Bộ GĐ ĐT Bùi Văn Ga về những điểm mới trong kỳ thì quốc gia chung sẽ được tiến hành ngay trong năm 2015.

img
Thứ trưởng Bùi Văn Ga

 

Kỳ thi chung theo dự kiến sẽ đảo ngược quy trình hiện nay tức là thí sinh sẽ thi trước sau đó mới chọn trường, ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Trước đây, các em phải đăng ký trường trước khi thi sẽ có nhiều rủi ro, nhiều em điểm cao vẫn trượt đại học.  

Tới đây, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, các trường ĐH CĐ sẽ phải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển để thí sinh có cơ sở cân nhắc, chọn trường phù hợp với năng lực, điểm thi của mình trước khi nộp hồ sơ. Điều này sẽ khiến cơ hội vào ĐH của các em cao hơn so, hầu như  gửi hồ sơ là chắc đỗ.

Khi không còn “3 chung”để xác định điểm sàn là ngưỡng tối thiểu xét tuyển, Bộ có nghĩ đến một ngưỡng khác từ điểm thi của kỳ thi chung không thưa ông?

- Tất nhiên, không thể cứ tốt nghiệp THPT là có thể vào ĐH được, chắc chắn sẽ phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ cũng đã yêu cầu các trường trong đề án tuyển sinh riêng của trường mình phải có tiêu chí này. Chẳng hạn quy định 6 điểm cho bậc ĐH và 5.5 điểm cho bậc CĐ…mà một số trường tuyển sinh riêng năm nay đã làm.

 

Theo phương án 2 – 3 được Bộ lấy ý kiến Bộ có sử dụng bài thi tổng hợp, tích hợp nhiều môn. Điều này khiến thí sinh hoang mang vì chương trình học thực sự chưa tích hợp, tổng hợp nhiều. Ông có thể nói rõ về điều này?

- Hiện có nhiều người nhầm lẫn là Bộ sẽ dùng bài thi tích hợp, khiến học sinh hoang mang. Tôi xin xác nhận chỉ là bài thi tổng hợp. Bài thi tổng hợp là ghép các môn lại trong một bài thi. Trước đây, thay vì thi mỗi môn một buổi thi riêng thì bây giờ thi thành một buổi, thay vì thi ba tiếng một môn thì giờ thi mỗi môn một tiếng. Mục đích của việc tổ chức bài thi tổng hợp nhằm giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh.Với bài thi tổng hợp, không yêu cầu học sinh và giáo viên phải thay đổi cách dạy, cách học hiện nay. Vì vậy, các em hãy yên tâm học tập như bình thường.

Còn đối với bài thi tích hợp là tổng hợp kiến thức liên môn trong một đề thi. Chúng ta chưa áp dụng cách thi này. Việc triển khai bài thi tích hợp chỉ thực hiện khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình, sách giáo khoa mới có dạy và học theo chương trình tích hợp.

Vậy khi có chương trình sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp dạy học, kỳ thi chung của chúng ta có thể lại…thay đổi thưa ông?

- Không hẳn vậy, hiện Bộ đang xây dựng phương án thi ổn định lâu dài. Thời gian, phương thức, tính chất của kỳ thi là ổn định, chỉ thay đổi về mặt nội dung. Chẳng hạn, các môn học thay đổi thì môn thi thay đổi, triển khai dạy tích hợp thì sẽ thi tích hợp, không thi tổng hợp…Tức là chúng ta sẽ điều chỉnh dần kỳ thi chung để nó phù hợp nhất phương pháp dạy và học lúc đó.

Các thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia chung sang năm sẽ phải chuẩn bị những thay đổi như thế nào?

- Ngoài việc thay đổi về hình thức, phương pháp thi, tất cả những khâu liên quan đến kỹ thuật của kỳ thi cũng đều sẽ thay đổi. Ví dụ như hồ sơ tuyến sinh, giấy báo dự thi, xét tuyển nguyện vọng, gọi nhập học…Tất cả những điều chỉnh sẽ có trong quy chế tuyển sinh ĐH CĐ năm 2015.

Nhiều người vẫn nghi ngờ về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vậy làm thế  nào để các trường ĐH CĐ tin tưởng chất lượng của kỳ thi quốc gia chung để lấy đó làm tiêu chí xét tuyển?

- Kỳ thi này có ý nghĩa rất lớn vì nó không chỉ để công nhận tốt nghiệp mà còn là dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Một trong các yếu tốt quan trọng nhất là đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng để các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả xét tuyển. Đây cũng là điều các trường đại học, cao đẳng nói riêng và dư luận xã hội nói chung quan tâm nhất.

Nếu chúng ta không làm thành công, các trường lại phải tổ chức thi riêng sẽ rất tốn kém.

Hiện Bộ có đề ra các giải pháp như tổ chức thi theo cụm thi ở tỉnh, chấm thi theo cụm vùng liên tỉnh, mời các giáo viên đại học cùng coi thi, chấm thi… Nói chung, những kinh nghiệm đã thực hiện tốt trong kỳ thi ba chung sẽ áp dụng với kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sắp tới.

Xin cảm ơn ông!

XEM THÊM: Xem điểm chuẩn NV1, NV2 của hàng trăm trường ĐH, CĐ 2014

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem