Thứ trưởng Bộ NNPTNT nêu giải pháp gỡ khó cho “tàu 67”

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 26/04/2022 14:38 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đang dự thảo một nghị định mới sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 67 để trình Chính phủ phê duyệt với những chính sách mới, tạo động lực cho phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.
Bình luận 0
Thứ trưởng Bộ NNPTNT nêu giải pháp gỡ khó cho “tàu 67” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đang dự thảo một nghị định mới sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 67 để trình Chính phủ phê duyệt với những chính sách mới, tạo động lực cho phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.

Cho đến nay, sau 8 năm thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (tàu 67), vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc thực hiện Nghị định 67 cho đến thời điểm này?

- Có một thực tế là, thời gian chuẩn bị ban hành Nghị định 67 rất gấp rút, khoảng 2 tháng nhưng đã ban hành được một cơ chế, chính sách hỗ trợ tương đối toàn diện cho ngư dân vươn khơi bám biển. 

Nhờ đó, hiện chúng ta đã có đội tàu đánh bắt xa bờ từ 15m trở lên với 31.000 chiếc, tàu chiều dài 24m trở lên là 2.628 chiếc. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), tăng 11% so với thời kỳ nghị định chưa được ban hành; góp phần giúp giá trị xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 10%.

Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn rất nhiều là quốc phòng an ninh của chúng ta được giữ vững. Đồng thời, nghề khai thác thủy sản cũng tạo việc làm cho 1 triệu ngư dân trên biển, gắn với hơn 4 triệu lao động trên bờ có sinh kế bền vững.

Bổ sung chính sách gỡ khó cho “tàu 67”: Cơ cấu lại đội tàu theo hạn ngạch khai thác - Ảnh 1.

Nhiều ngư dân ở Bình Định đã gặp khó khi đầu tư đóng tàu 67. Ảnh: Dũ Tuấn

Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ từ 15m trở lên của cả nước là 31.000 chiếc, tàu chiều dài 24m trở lên là 2.628 chiếc. Sản lượng khai thác năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn).

Đến hết năm 2020 là kết thúc thời gian thực hiện Nghị định 67, tổng số vốn đầu tư đạt hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân được hơn 2.800 tỷ đồng, còn lại còn 67,2% là nợ xấu.

Hiện nay, có nhiều vướng mắc xung quanh việc thực hiện Nghị định 67, khiến nhiều ngư dân đóng tàu vỏ thép gặp khó khăn khi tàu hỏng hóc, không thể vươn khơi còn chủ tàu ôm món nợ lớn. Theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân tình trạng này?

- Đến thời điểm này cũng có nhiều tàu vỏ sắt hoạt động rất tốt như ở Long An có ngư dân sở hữu 2 tàu sắt và đều hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, với những tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả là do chất lượng vỏ, chất lượng động cơ, các trang thiết bị đều cơ bản không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, giá đóng tàu tăng rất cao do quá trình đóng tàu giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu chưa có sự giám sát chặt chẽ.

Từ việc triển khai Nghị định 67 tôi cho rằng, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng, cho nên đợt này việc tổ chức thực hiện ở các đơn vị, địa phương phải có hết sức nghiêm túc để có bài học trong việc tổ chức thực hiện, lựa chọn thẩm định về giá, đóng tàu, giám sát và chất lượng cũng như trang thiết bị. 

Cơ chế chính sách cũng rất quan trọng nhưng tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định sự lan tỏa của cơ chế chính sách.

Theo Thứ trưởng, để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện cần những giải pháp gì?

- Trong báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 67 nêu rõ, có những người không có nghề cũng đóng tàu, trong khi đó cường lực khai thác đã đến mức cao, nguồn lợi thủy sản lại hạn chế. 

Do vậy, sắp tới chúng ta sẽ cơ cấu lại đội tàu theo hạn ngạch khai thác và có đề án chuyển đổi nghề để giải phóng bớt lực lượng khai thác trên biển và tăng cường tàu ngoài khơi. Như vậy là chúng tôi giải quyết đồng bộ cả cơ cấu lại đội tàu, hạn ngạch khai thác, bảo tồn biển.

Nếu muốn khai thác bền vững, ngoài đội tàu thì việc bảo tồn biển rất quan trọng, đồng thời gắn với nuôi biển. Để làm được điều này lực lượng đi khai thác trên biển phải được cấp phép, như năm ngoái Bộ NNPTNT không cấp phép đóng mới tàu, chỉ có phần cải hoán và sửa chữa.

Tới đây, theo chỉ đạo Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có dự thảo lần thứ 3 về sửa đổi Nghị định 67 và tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Đối với những chủ tàu đang còn nợ xấu với ngân hàng, không có khả năng chi trả do tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả, cần giải quyết như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Hiện, tỷ lệ nợ xấu trong đóng tàu vỏ thép lên đến 67%, chúng tôi sẽ bàn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để có những tháo gỡ cho ngư dân, đảm bảo phát triển ổn định và duy trì được lực lượng trên biển. 

Mỗi ngư dân như 1 cột mốc sống trên biển, đó là mục tiêu rất lớn. Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành và các tỉnh tháo gỡ khó khăn để làm sao duy trì được sản lượng khai thác, đồng thời giữ vững quốc phòng an ninh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem