Ngư dân giỏi trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê… vì “tàu 67”

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 11/04/2022 06:31 AM (GMT+7)
Nhiều ngư dân giỏi ở tỉnh Bình Định lâm cảnh trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê, nợ nần chồng chất chỉ vì “tàu 67”.
Bình luận 0

Những năm qua, nhiều chiếc tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là tàu 67) đã góp phần hiện đại hóa đội tàu cá và giúp ngư dân yên tâm bám biển. 

Tuy nhiên, bên cạnh các tàu cá hoạt động hiệu quả thì vẫn còn nhiều tàu hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng khiến việc đánh bắt kém hiệu quả và hệ lụy là ngư dân đang phải ôm cả cục nợ cả chục tỷ đồng mà chưa có cách tháo gỡ hiệu quả.

Nợ nần chồng chất vì tàu 67

Nhiều ngư dân ở tỉnh Bình Định vay vốn để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, hiện ôm nợ hàng chục tỷ đồng, có người phải hầu tòa, bị phát mại cả tàu cá và nhà ở.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định, tỉnh này có 60 tàu cá (đa số tàu vỏ thép) còn dư nợ cho vay tại các ngân hàng thương mại là 854 tỷ đồng. Trong đó, có 57 tàu nợ quá hạn với số tiền trên 436 tỷ đồng (nợ tiền gốc 220 tỷ đồng, lãi là 215 tỷ đồng). 

Hiện, các ngân hàng đã khởi kiện 39 chủ tàu, trong đó có 2 tàu đã bán đấu giá trên 1,5 tỷ đồng để thu nợ; 2 bản án; 3 tàu đang kê biên, chuẩn bị bán đấu giá; 4 trường hợp tòa đang thụ lý; 27 đương sự có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; 1 trường hợp đang chờ tòa thụ lý.

Ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (ở phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) là hai cái tên nằm trong danh sách bị ngân hàng bán đấu giá tàu vỏ thép để thu hồi nợ. 

Cách đây 7 năm, 2 ngư dân này vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Bình Định để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Thời điểm đó, phía ngân hàng yêu cầu 2 ông làm đơn thế chấp cả con tàu đóng mới và sổ đỏ, tài sản trên đất để được vay vốn. Được ngân hàng giải ngân 17,7 tỷ đồng, mỗi ông phải đóng tiền vốn đối ứng 1,026 tỷ đồng (tương đương 6%) để đóng tàu vỏ thép tại Hải Phòng.

Cuối năm 2016, tàu vỏ thép của ông Hạo và ông Khánh được hạ thủy. Tuy nhiên, 2 tàu này đánh bắt được vài chuyến rồi bị hỏng máy, thân tàu gỉ sét nên phải nằm bờ để sửa chữa. 

Khi tàu được sửa xong (vào năm 2018) thì việc đánh bắt cũng không được thuận lợi, chủ tàu liên tiếp thua lỗ, nợ cũ chưa kịp trả đã phát sinh thêm nợ mới. 

Vì vậy, phía ngân hàng buộc phải khởi kiện 2 ngư dân Hạo và Khánh ra tòa để phát mại tài sản thu hồi nợ. Đến nay, tàu vỏ thép của ông Hạo và ông Khánh đã được bán đấu giá hơn 1,53 tỷ đồng/tàu.

Ngư dân giỏi trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê… vì “tàu 67” - Ảnh 1.

Những con tàu vỏ thép tiên phong NĐ-67 ở cửa biển Đề Gi, huyện Phù Cát, Bình Định hiện đang nằm bờ chờ kê khai bán đấu giá để trả nợ ngân hàng. Ảnh: DT.

Bình Định từng là địa phương dậy sóng cả nước liên quan đến sự cố hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị làm dối dẫn đến liên tục hư hỏng, rỉ sét khi vừa xuống nước. 

Là nạn nhân trong cuộc, ngư dân Đinh Công Khánh (57 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) – chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS, vẫn chưa hết rùng mình với ngày tháng giằng co giấy bút, họp hành, đấu tố với doanh nghiệp đóng tàu. 

Tin tưởng rằng sửa được tàu và máy thì ngày tháng khó khăn sẽ khép lại. Nhưng không, đó lại là khởi đầu cho những tháng năm kéo dần các ngư dân xuống tận đáy nợ nần, nguy cơ vướng vòng lao lý. 

Trước 2015, ông Đinh Công Khánh là ông chủ của 2 tàu vỏ gỗ với 25 lao động trực chỉ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn ĐK1. Thời đó, làm ăn rất trúng, ông Khánh xây nhà cao, cửa rộng với đời sống sung túc. 

Tuy nhiên, bi kịch ập đến từ khi đóng tàu vỏ thép trên 19 tỷ (trả trước 5%, vay Ngân hàng BIDV 95% còn lại). Tàu vừa hạ thủy thì liên tục hư hỏng, sai thiết kế đánh bắt không được nên liên tục thua lỗ. Càng lúc thì bệnh tình của tàu càng nặng, phải đậu bờ, chủ tàu lao vào cuộc đấu tố với công ty đóng tàu kéo dài hơn 2 năm mới đạt thỏa thuận. 

"Tưởng sau đó chúng tôi yên tâm làm ăn, đánh bắt. Ai dè biển giã đói, nguồn lợi suy giảm, ngư trường thu hẹp do quy định đánh bắt mới. Đến nay, tàu chúng tôi phải đậu bờ do phí tổn, giá xăng dầu quá cao. Mỗi chuyến ra khơi tôi phải bỏ phí tổn 400 – 420 triệu đồng, thuê 13 – 16 lao động (mỗi lao động trả trước 5 triệu). Mà ra khơi liên tục lỗ biển, nên giờ nợ xấu ngân hàng chống chất lên. Hiện, tôi còn nợ ngân hàng 17 tỷ đồng, cả gốc lẫn lãi ngoài ra vay ngoài thêm 700 triệu đồng. Mới đây, ngân hàng dọa kiện ra tòa. Giờ tôi sợ phải ra tòa, ngồi tù, nhà cửa không có ở vì bán đấu giá tàu cũng không đủ trả nợ", ông Khánh buồn bã nói.

Ngư dân giỏi trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê… vì “tàu 67” - Ảnh 2.

Ngư dân giỏi trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê… vì “tàu 67”. Ảnh: DT.

Muôn trùng khốn khó

Trong khi đó, nhiều cái tên có tiếng tại vùng biển Phù Cát, Bình Định như: ngư dân Thái Văn Duyệt (chủ tàu vỏ thép BĐ 99160 TS), Nguyễn Ngọc Châu (tàu BĐ 99169 TS), Lê Ngô Hát (tàu BĐ 99168 TS), Lê Văn Thãi (tàu BĐ 99016 TS) cũng từng là những ông chủ tàu cá làm ăn tiêu biểu nhất vùng biển này, nhưng hiện tại lại đang lâm vào bờ vực khốn đốn. 

Tàu ra khơi lỗ tổn, nợ nần chống chất, không có tiền đưa tàu lên đà sửa chữa để gia hạn giấy tờ, đăng kiểm nên nằm bờ ngót 1 năm nay. 

Bi đát hơn, chủ tàu Thái Văn Duyệt cả năm phải ngậm ngùi xin đi làm thuê cho các tàu bạn mỗi tháng 5 – 6 triệu đồng, để trang trải cuộc sống gia đình. Từ một ông chủ thành đạt, ông Duyệt đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn bởi nợ nần bủa vây.

"Tôi đóng tàu vỏ thép trên 19,8 tỷ đồng, hiện còn vay ngân hàng 18,8 tỷ đồng. Vừa rồi ngân hàng họ đâm đơn kiện lên tòa án trong Quy Nhơn, kêu chúng tôi lên để làm thỏa thuận. Cứ cái đà này thì chỉ có thanh lý tàu, bán hết cả nhà cửa, đất đai tôi cũng chẳng đủ trả nợ. Ra khơi thì lỗ mà giữ tàu thì tốn kém, chi phí rất lớn tôi không đủ khả năng để tu sửa, bốc tổn ra khơi nữa", ông Thái Văn Duyệt cho hay.

Còn chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu cũng rớm nước mắt kể lại bi kịch của con tàu vỏ thép của mình với giọng buồn bã, run rẩy. Từ một ông chủ đội tàu 4 chiếc vỏ gỗ, nhà cửa bề thế nhất vùng biển Cát Khánh (Phù Cát – Bình Định) bỗng chốc rơi tõm xuống bờ vực của một con nợ, một đầy tớ. 

"Giờ nhà cửa tôi bán hết rồi, phải dọn sang cất tạm ngôi nhà nhỏ để ở. Nợ nần quá nên không dám ra khơi. Nhà 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học đứa lớp 9, đứa lớp 11 thì phải nghỉ học do tui làm ăn không ra. Nghĩ lại lúc trước làm ăn trúng mánh, giờ sa cơ thất thế như này, khắp nơi ráo riết truy nợ, buồn lắm", anh Châu rầu rĩ.

Ngư dân giỏi trắng tay, từ “ông chủ” cơ ngơi bề thế phải đi làm thuê… vì “tàu 67” - Ảnh 3.

Tàu 67 từng được kỳ vọng là giấc mơ đổi đời của ngư dân nhưng hiện tại đang ê chề, nợ nần chồng chất. Ảnh: DT.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bi kịch, một số chủ tàu thiếu thiện chí trả nợ; số khác đánh bắt có hiệu quả nhưng giá thành các loại sản phẩm thấp nên chuyến biển không có lãi để trả ngân hàng; còn một số do đánh bắt không hiệu quả; nhiều tàu không mua được bảo hiểm nên không đi đánh bắt được, tàu bị chìm…

Ông Bình đề nghị, các ngân hàng thương mại cần cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu hồi lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ bớt khó khăn cho ngư dân. 

Đối với trường hợp tàu cá làm ăn có mà chây ỳ không chịu trả nợ thì cần có hình thức cứng rắn, kiên quyết hơn để ràng buộc ngư dân thực hiện nghĩa vụ giải quyết nợ nần.

Trước khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh Bình Định kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân mua lại tàu cá là tài sản thế chấp vay vốn theo NĐ-67. 

Hiện, trên địa bàn Bình Định các công ty bảo hiểm đang tạm dừng bán bảo hiểm hoặc bán với mức quá thấp so với giá tàu cá cho vay theo NĐ-67; nhiều tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng vẫn ra khơi đánh bắt dẫn đến rủi ro cao đối với việc cấp tín dụng. 

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến với Bộ Tài chính để can thiệp đối với các công ty bảo hiểm để tháo gỡ các vướng mắc.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem