Thứ trưởng Bộ NNPTNT tự hào nói về kỷ lục mới sắp được thiết lập: Xuất khẩu nông sản có thể đạt 60 tỷ USD

Khánh Nguyên (ghi) Thứ tư, ngày 30/10/2024 16:11 PM (GMT+7)
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt con số kỷ lục 60-61 tỷ USD. Ông cũng khẳng định, người dân có thể yên tâm chăn nuôi vẫn tăng trưởng tốt nên thị trường cung cấp đủ thịt ăn tết.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT tự hào nói về kỷ lục mới sắp được thiết lập: Xuất khẩu nông sản có thể đạt 60 tỷ USD - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể đạt 60 - 61 tỷ USD.
  Tết không lo thiếu thịt, xuất khẩu nông sản lại lập kỷ lục

Trong bối cảnh thiên tai tác động nghiêm trọng, nhất là cơn bão số 3 YAGI đã để lại hậu quả nặng nề cho ngành nông nghiệp nhưng đến nay, nhiều chỉ tiêu của ngành vẫn rất khả quan. Thứ trưởng đánh giá về tốc độ tăng trưởng của ngành trong thời gian vừa qua như thế nào?

- 9 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp có nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt, cơn bão số 3 và mưa lũ khiến ngành nông nghiệp thiệt hại trên 30.800 tỷ đồng. Trong đó, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. "Do đó, nhiều người đặt câu hỏi như vậy có đủ thịt ăn tết, có phải gói bánh chưng bằng cá chép hay phải lên tivi mua thịt giá rẻ không?"- ông nêu vấn đề.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng thịt đã đạt 6,13 triệu tấn thịt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thức ăn giảm đi thì người dân tái đàn nhanh, tốc độ tăng trưởng sẽ được duy trì. Chúng ta có thể yên tâm sẽ không thiếu thịt ăn tết.

Về thuỷ sản thì cả nuôi trồng và khai thác đều tăng, sản lượng đã đạt 7,02 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thế mạnh này đến hết tháng 9/2024 đạt 7,23 tỷ USD, riêng tháng 9 đạt hơn 900 triệu USD. Khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như đề ra.

Vừa qua, các tỉnh và thành phố bị thiệt hại nặng sau bão số 3 như Hải Phòng, Quảng Ninh đã được Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) trực tiếp giao vật tư, con giống, thức ăn… để hỗ trợ phục hồi sản xuất. Với 170.000ha rừng gãy đổ, gỗ đang được thu gom về dự trữ để làm viên nén bán giá tốt hơn. Đồng thời, các địa phương cũng chuẩn bị giống để đầu năm trồng mới rừng.

Các tỉnh phía Bắc thiệt hại khoảng 300.000-400.000 tấn lúa. Thế nhưng, trong 9 tháng qua tổng sản lượng lúa cả nước vẫn đạt 34,01 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chắc chắn tháng 10 sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên nếu trừ đi con số 300.000-400.000 tấn lúa bị thiệt hại vừa qua trong tổng sản lượng 43,3 triệu tấn thì chúng ta vẫn đảm bảo 40 triệu tấn, đủ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo trong 9 tháng qua đã đạt 7 triệu tấn, thu về 4,37 tỷ USD.

Còn với rau màu, tôi cho rằng không đáng ngại, bởi đây là cây trồng ngắn ngày rất nhanh cho thu hoạch. Khi mưa bão xảy ra, Bộ NNPTNT đã nhận định, những tỉnh miền núi phía Bắc về cơ bản là tự cung tự cấp nên không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản là điểm sáng của ngành trong 9 tháng năm 2024. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 9 đã đạt 5,85 tỷ USD. Đáng chú ý, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp vọt lên 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng thặng dư của cả nền kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt 60-61 tỷ USD, thậm chí là hơn. Chúng ta phải tự hào là những người làm nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT tự hào nói về kỷ lục mới sắp được thiết lập: Xuất khẩu nông sản có thể đạt 60 tỷ USD - Ảnh 3.

Chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita). Ảnh: A.T

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 9 đã đạt 5,85 tỷ USD.

Sầu riêng vững "ngôi vương"

Một trong những mặt hàng điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản là sầu riêng. Thứ trưởng đánh giá dư địa của mặt hàng này như thế nào, nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc lại vừa ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh?

Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Quốc gia này năm 2023 đã chi ra gần 7 tỷ USD để bao mua lượng lớn sầu riêng từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là của Thái Lan và Việt Nam. Ở Trung Quốc, người dân mê sầu riêng đến mức ăn từ cơm cho đến vỏ.

Thực tế, kể từ giữa năm 2022, khi sầu riêng chính thức có "giấy thông hành" tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu loại quả này liên tiếp lập kỷ lục lịch sử. Cụ thể, nếu năm 2021, xuất khẩu sầu riêng thu về chỉ 178 triệu USD thì sau đó tăng nhanh lên 421 triệu USD vào năm 2022. Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng lập kỷ lục 2,24 tỷ USD.

Năm nay, mới 9 tháng, nhưng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quả sầu riêng đã đạt 2,66 tỷ USD, tăng mạnh 63,7%, tương ứng tăng 1,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, 95% lượng sầu riêng của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn.

Mới đây, Việt Nam tiếp tục ký nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang thị trường này. Các doanh nghiệp dự tính, những lô sầu riêng đông lạnh đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 11 năm nay.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng sầu riêng của nước ta đã thu hoạch đạt gần 985.000 tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, sản lượng cả năm ước đạt 1,2 triệu tấn. Còn nhiều vùng trồng cho thu hoạch vào những tháng cuối năm. Chúng tôi cho rằng, với đà này, hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3 tỷ USD.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về những thông tin này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem