Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: “Nhà nước cần giảm thiểu can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp”
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: “Nhà nước cần giảm thiểu can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp”
Thanh Phong
Thứ ba, ngày 13/10/2020 16:42 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (Bộ Công Thương), để hướng tới nền kinh tế thị trường, nhà nước cần giảm thiểu can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, giá cả.
Sáng 13/10, Báo NTNN/điện tử Dân Việt tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà".
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, rất nhiều nông dân đã trở thành là doanh nhân.
Theo ông Hải đánh giá, đây là một xu thế rất tích cực đối với ngành nông nghiệp nói chung và nên kinh tế nói riêng. Với cách kinh doanh mô hình doanh nghiệp, người nông dân trước khi làm phải tính trước hiệu quả.
"Tôi nghĩ rằng bất cứ một doanh nhân nào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc chúng ta sản xuất trồng trọt, thì chúng ta phải nghĩ ngay cái đầu ra. Đây là điều tôi cho rằng là hết sức quan trọng.
Điều thứ hai, chúng ta cần phải khẳng định với nhau. Hiện nay, Việt Nam, Chính phủ Nam đang tiến hành đưa nền kinh tế của Việt Nam là trở thành nền kinh tế của thị trường. Phải nói là đang "hướng tới", vì hiện nay, nền kinh tế của chúng ta chưa thực sự là nền kinh tế thị trường", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lấy ví dụ, các đoàn lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn đang phải đi đến nhiều các quốc gia, vùng lãnh thổ để tìm kiếm sự công nhận về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
"Nhưng một trong những điều hết sức quan trọng của nền kinh tế thị trường đó là Nhà nước giảm thiểu can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu giá cả. Ví dụ, về giá cả và tăng cường điều tiết thị trường thông qua các công cụ như là tiền tệ, chính sách lưu thông phân phối nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi một mặt hết sức chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và trực tiếp là những nhà nông dân của chúng ta trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Nhưng mặt khác chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay chúng ta đang hướng tới kinh tế thị trường. Do đó, phải chú trọng hơn đến việc tiêu thụ, đầu ra sản phẩm của chính chúng ta", ông Hải nhấn mạnh.
Nói đến trách nhiệm của Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Hải cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, trên cả nước đã có 1085 siêu thị. Ngoài ra, cả nước có 240 trung tâm thương mại, trong đó, gồm100 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 8500 chợ trên địa bàn toàn quốc.
"Những khu chợ kể trên có quy mô lớn, không phải là "chợ cóc". Hệ thống này đã góp phần trong việc hỗ trợ cho người nông dân tiêu thụ sản phẩm của mình. Theo đánh giá báo cáo của Viện nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, vừa mới ban hành tháng 7 vừa qua, đến 75%, 76 % hàng hóa được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hiện nay chính là thứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Thậm chí có nhiều siêu thị Big C, lượng hàng Việt Nam đang được tiêu thụ lên tới khoảng 95%, 96 %. Tôi nghĩ rằng cũng là một trong những cố gắng, nỗ lực để hỗ trợ cho bà con nông dân, cho người sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.
Được biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp nước ta mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu và kết quả tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay dù đại dịch Covid-19 hoành hoành nhưng tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt xuất khẩu ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD.
Đại diện Ban Tổ chức, ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Phó trưởng Ban Tổ chức chương trình Tự hào Nông dân, cho biết: Sở dĩ Ban Tổ chức chọn chủ đề vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà vì đây là 2 vấn đề nông dân cả nước hết sức quan tâm. Mối liên kết 6 nhà trong sản xuất và kinh doanh nông sản đang được các "nhà" (Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối tích cực xích lại gần nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.