Vụ việc bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non ở TP.HCM khiến dư luận bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng GD-ĐT - nhận định đây có thể là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay.
Bà phản ứng như thế nào sau khi xem clip bảo mẫu hành hung học sinh mầm non tại cơ sở Mầm Xanh, quận 12, TP.HCM?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm hỏi học sinh tại trường Mầm non xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Văn Được.
- Khi xem video về việc bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, tôi rất kinh hoàng. Thật đau lòng khi nhìn hình ảnh các cô liên tục dùng vật dụng như muôi, gáo nhựa, chai…, thậm chí dùng dao, uy hiếp học sinh.
Điều này rất nghiêm trọng vì không những ảnh hưởng tới thể xác mà còn gây tổn thương sâu sắc về tinh thần trẻ.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT như thế nào về vụ việc này?
- Đây là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay. Sự việc này cho thấy các địa phương, phòng giáo dục cần xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở đã đúng quy định chưa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát về hoạt động của trường mầm non.
Tối 26.11, Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, có báo cáo bằng văn bản về vụ việc. Sáng nay, tôi gọi điện cho Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở đích thân kiểm tra tận nơi và phối hợp các ban ngành xử lý nghiêm vụ việc.
Cũng trong chiều 27.11, các đơn vị sẽ có báo cáo về Bộ GD-ĐT. Điều đó cho thấy chúng tôi rất quan tâm vụ việc. Các cơ quan chức năng và phía công an cũng đang điều tra. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Những hành động bạo hành của bảo mẫu có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, khi ngay cả chủ nhóm lớp cũng bạo hành.
Nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ khiến cha mẹ rất lo lắng khi đưa con đến lớp. Bộ GD-ĐT có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ mầm non?
- Vừa qua, Chính phủ có quyết định 404/QĐ- TTG hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong đó, 10 tỉnh, thành đã thực hiện và TP.HCM là một trong số đó.
Các địa phương này đã hỗ trợ cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên để đủ điều kiện cấp phép. Ngoài ra, Hội phụ nữ cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhóm lớp tư thục.
Các khu chế xuất công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… có nhiều nhóm lớp nhưng hiện vẫn không đủ. Những nhóm lớp này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ bởi có những người được đào tạo chu đáo nhưng có những người không được đào tạo bài bản, thiếu trình độ, kỹ năng thường tìm đến làm việc tại các cơ sở này.
Điều lệ trường mầm non quy định trường được nhận trẻ từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi. Do nhiều cơ sở công lập chưa đủ điều kiện vật chất và giáo viên để nhận trẻ quá nhỏ tuổi, phụ huynh thường phải gửi con đến nhóm lớp tư thục.
Không phải địa phương nào cũng đủ điều kiện cơ sở vật chất để thí điểm trường mầm non nhận trẻ 6 tháng tuổi trở lên như ở TP.HCM vừa qua.
Vì vậy, chúng ta cần thêm giải pháp nữa, ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất là tăng cường kết hợp với công tác thanh kiểm tra thường xuyên, bắt đầu từ cấp phép đến giám sát hoạt động.
Những hành vi dùng tay đánh; dùng chân đạp; tát vào mặt, đầu; dùng vật dụng sinh hoạt để đánh, thậm chí là dùng dao làm bếp đập vào đầu trẻ em…của các bảo mẫu ở đây vừa bị phanh phui. Clip: Vnexpress
Theo số liệu tại lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24.11, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức tầm nhìn thế giới khảo sát, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.
Báo cáo về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em thì trong 689 ca bạo lực trẻ em, có đến 6/10 ca bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.
|
Quyên Quyên (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.