Thứ trưởng kể chuyện "hậu trường" giải cứu lao động

Thứ năm, ngày 10/03/2011 17:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trả lời phỏng vấn riêng phóng viên NTNN chiều 9.3, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà đã chia sẻ nhiều chuyện "hậu trường" công tác giải cứu lao động.
Bình luận 0

VN được đánh giá là nước giải cứu lao động nhanh và an toàn nhất. Có được điều đó là nhờ yếu tố nào, thưa Thứ trưởng?

img
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà

Mọi người đều nhận định, từ thời điểm chiến trang Iraq đến nay mới xảy ra sự kiện tương tự. Nhưng thời điểm đó, các nước can thiệp quân sự chi rất nhiều tiền để các tổ chức nhân đạo nhanh chóng di tản người nước ngoài. Giờ, toàn bộ chi phí chúng ta phải lo nên rất khó khăn.

Dẫu vậy, chỉ đạo của Chính phủ rất kịp thời là bằng mọi giá đưa nhanh lao động về nước. Đích thân Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp, các bộ, ngành phối hợp tốt. Ngoài ra, tôi cũng khẳng định, trách nhiệm của doanh nghiệp XKLĐ rất tốt, họ vào cuộc đàm phán với đối tác đưa lao động về rất chủ động.

Trong nước thì dư luận báo chí, nhân dân ủng hộ, ngoài nước tranh thủ được sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế.

Là người chỉ đạo ở tiền phương, trực tiếp tới các vùng biên giới, Thứ trưởng thấy có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm?

Chiến tranh, bạo loạn là tình huống bất khả kháng, đòi hỏi mọi thứ trong trật tự là không thể. Những ai trải qua chiến tranh đều hiểu thế nào là chạy loạn. Vì vậy, việc đầu tiên chúng tôi tính đến là đảm bảo an toàn tính mạng cho lao động nên chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với chủ sử dụng lao động nhanh chóng sơ tán lao động sang nước thứ 3.

Các chủ sử dụng lao động cơ bản làm được như vậy. Chúng tôi đã làm nhanh hết mức có thể nhưng chúng tôi vẫn lắng nghe những ý kiến góp ý của lao động, của thân nhân để tiếp thu, rút kinh nghiệm.

Có ý kiến cho rằng, có thể lập cầu hàng không sớm hơn, ý kiến Thứ trưởng thế nào?

Để lập được cầu hàng không, đưa chuyên cơ bay thẳng, chúng ta phải xin giấy phép cả chục quốc gia trên đường bay. Việc này bên Bộ Ngoại giao làm rất quyết liệt, từ các đại sứ tới nhân viên phải đi lại đêm hôm để hoàn thành việc xin giấy phép trong vòng 2 ngày.

Sau đó là phải chuẩn bị hậu cần sân bay, cử nhân viên kỹ thuật hàng không… Khi mọi thủ tục hoàn tất, nhân dân cả nước đều có thể thấy việc đưa lao động về nước rất nhanh và an toàn.

Đã có những tính toán sơ bộ về chi phí giải cứu lao động chưa, thưa Thứ trưởng?

Tới thời điểm này, chúng ta và các đối tác đã tổ chức được 30 chuyến bay, 1 chuyến tàu thuỷ đưa hơn 10.000 lao động về nước. Sơ bộ chi phí khoảng 10 triệu USD. Cái tài tình của chúng ta là trong bối cảnh khẩn trương, nhanh chóng vẫn huy động được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư phối hợp đưa lao động về trên các chuyến bay thương mại do phía bạn chi trả.

Quan điểm của chúng tôi là giải cứu lao động nhanh nhất, Chính phủ sẵn sàng cần phải đi 30 chuyến chuyên cơ cũng phải đi. Nhưng phối hợp được với phía bạn, chúng ta đưa lao động về nhanh hơn, tiết kiệm hơn, điều đó rất có ý nghĩa.

Cuối cùng, Thứ trưởng có nhắn nhủ gì với lao động?

Tôi muốn nói với bà con, đây là rủi ro khách quan. Chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp XKLĐ và bản thân các lao động đều thiệt hại nên phải bình tĩnh giải quyết hợp lý nhất. Trong lúc này lao động cực đoan càng khó khăn thêm. Nhà nước đã vào cuộc hỗ trợ cái đầu tiên là đảm bảo cho lao động trở về an toàn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem