Chiến dịch “đại” thành công
Đây là chuyến bay thứ 10 (có 8 chuyến của Hãng Hàng không Vietnam Airline, 2 chuyến của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ngoài ra còn một số chuyến bay của đối tác lao động) và cũng là chuyến bay cuối cùng trong chiến dịch lập cầu hàng không giải cứu lao động Việt Nam tại Libya về nước. Đoàn công tác tiền phương sang Tunisia giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya cũng trở về trên chuyến bay này.
|
Tính đến chiều 9.3, có 8.728 lao động VN ở Libya đã trở về nước an toàn. Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài. |
Chuyến chuyên cơ cuối cùng này cũng được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân đích thân ra đón. Lao động trở về sân bay Nội Bài nhanh chóng được các doanh nghiệp XKLĐ đưa xe chở về địa phương.
Tại cuộc họp báo ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng thông báo: “Tính đến hết ngày 9.3 đã có 8.728 lao động Việt Nam hồi hương an toàn. Hiện nay còn 1.700 lao động đang trở về nước bằng đường thủy và dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng trong 6 – 7 ngày tới; 292 lao động Việt Nam đã sang Algeria và 67 lao động tại Ai Cập đang được IOM hứa sẽ bố trí đưa về nước”.
Ông Đoàn Xuân Hưng- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban công tác tiền phương cho biết: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên hoàn thành việc giải cứu công dân Việt Nam tại Libya và đưa họ về nước an toàn. Có thể khẳng định Ban chỉ đạo tiền phương đã hoàn thành tốt 2 trọng trách mà Chính phủ giao phó”.
Khẩn trương hỗ trợ các lao động trở về
Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ngoài 2 doanh nghiệp là Cienco5 và VIDB đã tài trợ tiền và hứa nhận một phần lao động, thì ngày 8.3 vừa qua dự án Happyland (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông Long An) cũng đã ngỏ ý muốn nhận toàn bộ số lao động vừa trở về từ Libya vào làm việc tại đây.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tới chiều 9.3, đã có 8.728 lao động ở Libya về nước, trong đó có 3.200 lao động được về bằng nguồn ngân sách Nhà nước, hơn 5.000 lao động còn lại là do các đối tác lao động và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Tổng Giám đốc dự án Happyland cũng cho biết thêm, sẽ bảo lãnh những khoản nợ cho các lao động tại ngân hàng và tạo việc làm phù hợp với các lao động này. Những lao động có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để được biết thêm thông tin.
Chiều 9.3, sau khi nghe thông tin hầu hết lao động VN tại Libya đã về nước, nhiều công ty trong nước đã thông báo tuyển lao động này vào làm việc. Trong đó, Tổng Công ty VIGLACERA đăng ký tuyển khoảng 1.000 lao động vào làm việc tại các công ty thành viên. Công ty này đang phối hợp với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya thông báo tin tuyển dụng này tới những lao động trở về từ Libya.
Công ty cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát đã tham gia cùng đoàn đón tiếp lao động từ Libya của Sona để gặp gỡ và giới thiệu chương trình tuyển dụng trực tiếp đến từng lao động. Đối tượng tuyển là kỹ sư, đội trưởng, chỉ huy trưởng công trình với lương 350-1.000 USD/tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương 200-250 USD tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, đã yêu cầu các doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý hợp đồng cụ thể cho từng lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước lên chương trình, thống kê về nhu cầu việc làm của lao động. Những lao động nào có nhu cầu muốn ở lại làm cho các doanh nghiệp trong nước, lao động nào có nhu cầu đi XKLĐ ở những thị trường khác để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Trả lời những thắc mắc về các biện pháp chủ động giải quyết số công dân Việt Nam có thể còn sót lại và cách ứng phó của Việt Nam với tình hình bất ổn ở Trung Đông hiện nay, ông Đoàn Xuân Hưng khẳng định: “Hiện nay toàn bộ số lao động đi XKLĐ được Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa về nước an toàn.
Tuy nhiên có thể, một bộ phận lao động đi XKLĐ trái phép và những công dân Việt Nam di cư theo các đường khác vẫn còn kẹt lại Libya. Do vậy, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước Trung Đông tiếp tục theo dõi sát tình hình báo cáo với ban chỉ đạo để có phương án xử lý kịp thời”.
Cho lao động khoanh nợ, dãn nợ
Chiều 9.3, bà Hà Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), cho biết, ngày hôm nay (10.3) các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ báo cáo tình hình lao động đi Libya phải về nước trước hạn của địa phương mình (tổng số lao động, tổng số tiền vay, đối tượng vay...) để Ngân hàng có hướng xử lý. Tuy nhiên, người lao động vay vốn Ngân hàng CSXH sang Libya lao động đều là hộ nghèo, hộ chính sách. Việc họ phải về nước trước thời hạn là bất khả kháng. Nếu họ chưa đến kỳ trả nợ, sẽ được Ngân hàng cho tạm khoanh nợ, dãn nợ.
Về việc các lao động này nếu đi xuất khẩu lao động ở những nước khác, có tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, bà Hà Thị Hạnh cho biết, Ngân hàng đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Trang
Minh Nguyệt - Đức Nhã- Bích Phượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.