Thủ tướng chỉ đạo khắc phục sự cố chìm tàu Cần Giờ

Chủ nhật, ngày 04/08/2013 08:12 AM (GMT+7)
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thêm thi thể một nạn nhân trong vụ chìm tàu xảy ra vào đêm 2/8 tại Cần Giờ.
Bình luận 0
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, phối hợp với các lực lượng cứu hộ cứu hộ cứu nạn của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng của thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân trong vụ chìm tàu.

Sáng 3.8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có mặt tại Cần Giờ, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu tại đây.

Chiều cùng ngày 3.8, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn với đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các sở, ban ngành Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm triển khai các giải pháp cấp bách để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích trong vụ chìm tàu xảy ra tại vùng biển huyện Cần Giờ đêm 2.8, cũng như công tác khắc phục hậu quả của sự cố nghiêm trọng này.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu dương các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tuy tai nạn bất ngờ nhưng nhờ tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó, phối hợp chặt chẽ, xử lý hiệu quả nên đã hạn chế thấp nhất có thể thiệt hại.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ triển khai ngay phương tiện và lực lượng đến hiện trường để cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã báo cáo Bộ Quốc phòng để điều 2 chiếc trực thăng tham gia cứu hộ, cùng với thành phố và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Trung tâm III) để tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ xác định đây là vụ chìm tàu hết sức nghiêm trọng. Về phần mình, Bộ Giao thông vận tải cũng có một phần trách nhiệm; sắp tới ngành sẽ tiếp tục làm rõ thêm những thông tin liên quan đến sự cố. Theo ông Thể, sự việc xảy ra bất ngờ cộng với xảy ra vào thời điểm bất lợi, sóng lớn, ban đêm nên công tác tìm kiếm, cứu hộ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, việc tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn do không nắm rõ chính xác được vị trí tàu bị chìm, nên việc rà soát trên vùng biển rộng lớn rất mất thời gian, đến 1 giờ mới phát hiện được những nạn nhân sống sót đầu tiên. Ngoài ra, vị trí tàu chìm khá nông (vào thời điểm phát hiện mực nước chỉ cao 0,6m) nên thuyền lớn cứu nạn không thể tiếp cận được tàu bị nạn, phải sử dụng thuyền nhỏ. Cục Hàng hải Việt Nam đã huy động 8 tàu để tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, ông Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các lực lượng phối hợp, làm hết sức mình để cố gắng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Lãnh đạo huyện Cần Giờ phối hợp với Cảng vụ, Bộ đội Biên phòng tập trung triển khai huy động lực lượng các xã ven biển, cũng như thông báo cho ngư dân biết để cùng tìm kiếm nạn nhân.

img
Công tác cứu nạn ở Cần Giờ

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông vận tải thống nhất thực hiện các biện pháp khắc phục, cụ thể như đối với các nạn nhân may mắn sống sót cũng như bị mất tích, tử nạn phải có sự hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ nguyên nhân sự cố; trong đó xác định rõ phương tiện có đảm bảo điều kiện lưu hành hay không? trách nhiệm của đơn vị để cho thuyền xuất bến cũng như nguồn gốc, đơn vị quản lý của chiếc tàu...

Để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Cục hàng hải, cảng vụ thành phố cũng như các đơn vị liên quan xem xét, siết chặt công tác kiểm tra, quản lý phương tiện, xuất bến của tàu thuyền.

Đối với công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố từ nay đến hết mùa mưa bão, ông Lê Hoàng Quân yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thành phố không được chủ quan. Từ nay đến cuối mùa mưa bão phải tăng cường công tác trực ban, sẵn sàng xử lý các tình huống, cứu hộ cứu nạn; rà soát lại các lực lượng, phương tiện phục vụ công tác này.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia thành phố nhấn mạnh rằng đây là bài học xương máu cho chúng ta. Qua đó cần phải tăng cường chỉ đạo các lực lượng cần thường xuyên kiểm tra lực lượng, phương tiện tàu bè trên địa bàn thành phố, không để xảy ra những vụ việc đánh tiếc như vừa qua.

img
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thăm hỏi các nạn nhân

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh về vụ chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ, vào lúc 21 giờ ngày 2.8, tàu khách H29 chở 30 người của Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam thuê phương tiện của Công ty Việt - Czeck Technology J.S, trụ sở tại phường 11, thành phố Vũng Tàu do tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển chở công nhân đi nghỉ mát tại Vũng Tàu.

Trên đường tàu hành trình từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu đến khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hoà, huyện Cần Giờ (cách mũi Cần Giờ khoảng 7,5 hải lý) thì bị chìm do sóng to, lốc xoáy.

Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng cứu hộ của huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm III, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức điều động phương tiện ra hiện trường để tìm kiếm cứu nạn. Đến 1 giờ ngày 3.8, các lực lượng đã tổ chức cứu vớt được 17 nạn nhân, trong đó 14 nạn nhân được đưa về huyện Cần Giờ cứu chữa, còn lại được Trung tâm III đưa về Vũng Tàu. Đến 3 giờ 40 phút, 4 nạn nhân tiếp theo được cứu vớt, trong đó có hai người nước ngoài (vợ chồng người Mỹ) và được đưa về Vũng Tàu cấp cứu. Hiện sức khỏe các nạn nhân đã dần hồi phục.

Tiếp đó, đến sáng 3.8, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể một nạn nhân. Đến chiều 3.8, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết danh tính của nạn nhân được xác định là Nông Thị Phin, sinh năm 1979, quê ở Bắc Kạn. Chiếc tàu bị chìm cũng đang được lai dắt về Vũng Tàu để khám nghiệm, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân.

Hiện các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang tiếp tục tích cực tìm kiếm 8 nạn nhân còn mất tích trong vụ chìm tàu nghiêm trọng này.
Danh sách các nạn nhân mất tích gồm:

1. Nguyễn Thị Kim Hoàng, sinh năm 1993, quê Tiền Giang.
2. Cao Hoàng Phương Khanh, 1980, quê Tiền Giang.
3. Hoàng Trung Biên, sinh năm 1985, quê Thái Bình.
4. Nguyễn Bá Đức, sinh năm 1983, quê Thanh Hóa.
5. Đào Mạnh Cường, sinh năm 1985, quê Thái Bình.
6. Trần Hữu Hiệp, quê Thanh Hóa.
7. Hà Tiến Sơn, quê Phú Thọ
8. Phạm Duy Phúc, sinh năm 1988, quê Quảng Bình, là người lái tàu.
TTXVN (Theo TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem