Ngày 10.4, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng thông tin, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, để thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ đã yêu cầu một số Bộ ban ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… xây dựng, ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù cho TP.Đà Nẵng.
Đặc biệt, liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất các biện pháp cụ thể để xử lý theo quy định pháp luật và tình hình thực tiễn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đà Nẵng gặp khó khăn khi thực hiện kết luận 2852 của TTCP. Ảnh: Đình Thiên
Kết luận thanh tra sai phạm về đất đai của Đà Nẵng (Kết luận 2852) được ban hành từ năm 2012 và TP.Đà Nẵng cơ bản đã thực hiện xong các nội dung thanh tra, chỉ còn hai nội dung vướng mắc là xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TTCP kết luận cấp trái pháp luật đất đai và thu về ngân sách nhà nước 10% mà thành phố đã giảm sai quy định.
Liên quan đến kết luận trên của TTCP, bên cạnh thực hiện nghiêm kết luận, các cấp chính quyền TP.Đà Nẵng cũng đã nhiều lần kiến nghị Trung ương để được tháo gỡ các vướng mắc.
Trong kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng diễn ra vào tháng 7.2018 vừa qua, một số Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã có ý kiến về kết luận của TTCP. Trong đó, đại biểu Huỳnh Minh Chức cho rằng, một số điểm trong kết luận của TTCP chưa khả thi và không nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và doanh nghiệp.
“Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận khi chưa xem xét toàn bộ yếu tố lịch sử của Đà Nẵng. Sau 20 năm tách tỉnh, để phát triển thành phố đã có hơn 100.000 hộ dân phải tái định cư. Trong đó hiện vẫn còn 8.000 hộ nghèo còn nợ tiền sử dụng đất. Nếu thực hiện thu tiền sử dụng đất theo giá đất hiện nay thì quá cao, gấp 4-5 lần, người nghèo lại càng nghèo”, đại biểu Chức nói.
Vị Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng còn cho rằng, việc TTCP yêu cầu chuyển đổi loại hình sử dụng đất mà thành phố đã chứng nhận cho các cá nhân tổ chức trước đây đã làm cho doanh nghiệp, người dân và cả chính quyền thành phố gặp khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao TTCP xử lý sai phạm đất đai ở Đà Nẵng theo tình hình thực tiễn.
Cũng tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng, trước ý kiến của các đại biểu HĐND, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, việc thực hiện kết luận thanh tra bị vênh với một số quy định của pháp luật nên khó thực hiện. Bên cạnh đó, thời gian qua lãnh đạo thành phố đang thiếu sự tham mưu đề xuất từ cấp dưới do tâm lý thiếu tự tin.
“Ở đây, có những việc cấp dưới có thể làm nhưng thiếu sự tự tin, nhiệt tình dẫn đến công việc chậm trễ. Ví dụ như việc chúng ta yêu cầu các nhà đầu tư thứ cấp để thu lại số tiền thất thoát 10% theo kết luận của TTCP là không có cơ sở. Chúng ta phải tìm những đối tượng sơ cấp, đối tượng được hưởng lợi từ việc giảm 10% để thu lại nhưng chúng ta lại không làm”, ông Thơ nói.
Mới đây vào ngày 1.3, trong sự kiện Tọa đàm mùa Xuân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa nói rằng: “Việc thực hiện Kết luận số 2852 của TTCP đã gây không ít khó khăn trong quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi coi việc tập trung tháo gỡ kết luận 2852 không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc, mà còn qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để doanh nghiệp và thành phố đầu tư phát triển”, Bí thư Đà Nẵng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.