Chiều 24/12, tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm cấm chặt cây đào rừng và các cây rừng khác, đặc biệt là vào dịp Tết sắp tới.
Mỗi dịp Tết đến, hàng nghìn gốc đào cổ thụ bị đốn hạ, vận chuyển xuống phố tiêu thụ
“Cần cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết” – người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
Điều này có nghĩa, Tết nguyên đán năm 2021 rất có thể (chắc chắn) sẽ không được chơi đào rừng. Một quyết định khó khăn nhưng cần thiết lúc này, nhất là khi tình trạng chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng núp bóng dưới nhiều hình thức.
Khoảng 15-20 năm trước không mấy ai ở miền xuôi thích chơi đào rừng vào dịp Tết. Tết của người dân đồng bằng sông Hồng là những cành bích đào đỏ thẫm mua ở những làng trồng đào ven Hồ Tây. Nhưng vài năm trở lại đây tình hình đã khác. Người dưới xuôi ùn ùn lên các tỉnh miền núi chặt cành đào, thậm chí là cả một cây đào rừng mang về chơi tết. Người ta thể hiện độ sang, độ chịu chơi bằng việc sở hữu những cây đào, cành đào càng cổ càng quý, càng hiếm lạ càng đắt tiền.
Hàng năm, mỗi dịp cận Tết nguyên đán, để có được những gốc đào, cành đào rừng thế đẹp, dáng độc lạ, dân “săn” phải băng rừng, vượt núi đi qua những cung đường đèo một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, thậm chí đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu… để kiếm tìm.
Từ nay, hành vi buôn bán và sử dụng đào rừng sẽ đều bị coi là vi phạm
Theo những người buôn đào rừng, để tìm được những gốc đào, cành đào ưng ý, có thế đẹp, chỉ còn cách vào các bản ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu,...
Dưới tiết trời mùa đông, sương mù, mưa phùn phủ kín các ngả đường lên bản, tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt, nhiệt độ thấp nên đòi hỏi người săn đào phải có sức khỏe, kinh nghiệm mới đem được những gốc đào nguyên vẹn về bán.
Chưa hết, việc vận chuyển những cành đào cồng kềnh qua những cung đường đèo, dốc mới thực sự nguy hiểm. Nhưng, vì kế sinh nhai nhiều người vẫn bất chấp.
“Có cầu sẽ có cung”, mỗi năm hàng nghìn gốc đào cổ thụ bị đốn hạ vào dịp Tết, đồng nghĩa những gốc đào đặc trưng của mùa xuân Tây Bắc đang từng ngày rỉ máu. Trên thực tế, những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. Đó chính là một lợi thế để chính quyền và người dân bản địa tận dụng phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.