Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam
Tại hội nghị, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, qua sự nhiệt tình hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong khu vực ĐBSCL và ý kiến góp ý tâm huyết, đầy trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, địa phương đã hoàn thành công tác lập quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch TP.Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, ưu thế mà thành phố có được. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề vững chắc để thành phố tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao mong muốn đưa địa phương phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.
"Quy hoạch nói trên sẽ giúp Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam" - ông Trường thông tin.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong quy hoạch đã được phê duyệt, ông Trường mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là sự đồng hành của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Với phương châm "Sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của TP.Cần Thơ", lãnh đạo thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng khả thi của các nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch sớm trở thành hiện thực.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nhấn mạnh: "Lãnh đạo TP.Cần Thơ quyết tâm nỗ lực đồng hành, sát cánh, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, lành mạnh, công khai, minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng".
TP.Cần Thơ phải đi lên bằng chính nội lực của mình
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Cần Thơ trước tiên phải đi lên bằng chính nội lực của mình, tự lực, tự cường, không trông chờ.
Cụ thể, theo Thủ tướng, Cần Thơ phải tập trung khai thác tối đa về nguồn lực đã có, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung ngành mới nổi như chuyển đổi số, giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức.
Tiếp đến, Cần Thơ phải tập trung phát triển hệ thống giao thông, nhất là giao thông kết nối với 13 tỉnh khác trong vùng, tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp mới, dịch vụ mới, giảm logistic, nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa bằng cách vận chuyển nhanh. Về vấn đề này, Thủ tướng lưu ý, TP.Cần Thơ cần làm là giải phóng mặt bằng tốt bởi địa phương làm "ì ạch" và "bị nhắc nhiều lần".
Thành phố phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, 1 đồng của nhà nước thì phải huy động từ 5-7 đồng, thậm chí là 10 đồng của doanh nghiệp. Song song đó là huy động nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài.
Muốn phải giảm thủ tục hành chính, tạo mội trường đâu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi. Nếu cần thiết, cũng cần mạnh dạn vay từ các quỹ đầu tư khác để có thêm nguồn lực làm khi nguồn ngân sách không nhiều.
Ngoài ra, từ thực tiễn của địa phương, nên đề xuất các cơ chế chính sách, ưu tiên tính đặc thù. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chung sức vào cuộc, ủng hộ cơ chế chính sách với Cần Thơ theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên phía trên.
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp đến TP.Cần Thơ đầu tư một cách lâu dài, phù hợp với quy hoạch của vùng, theo lợi ích hài hoà, chia sẻ. Có như vậy, Thủ tướng tin chắc sẽ thành công. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hứa thì phải làm, bằng chương trình dự án cụ thể, có trách nhiệm với Cần Thơ, vì sự phát triển chung của vùng ĐBSCL.
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ, lãnh đạo TP.Cần Thơ đã trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực về hạ tầng công nghiệp, thương mại, phát triển đô thị, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng cấp nước, y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hạ tầng xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.