Thủ tướng: “Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, để chống tham nhũng"

P.V Thứ năm, ngày 02/05/2019 15:24 PM (GMT+7)
“Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. Cùng với đó là lòng yêu nước, các doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. Các doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời vào sáng 2.5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bước vào phiên Toàn thể trong buổi chiều. Đây là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các địa phương.

Phát biểu trước 2.500 doanh nhân tham dự phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.

Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khối doanh tư nhân. "Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nói.

img

Một điều khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn, đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội.

Lấy dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc trong quá khứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, nếu tính tổng nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ trong quá khứ nhưng vẫn chiến thắng nhờ nội lực vững mạnh, phát huy điểm mạnh của mình.

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Lúc này, câu hỏi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là: "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?"

Từ đây, Thủ tướng nhấn mạnh, những doanh nghiệp, doanh nhân ngồi tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp.

“Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. Cùng với đó là lòng yêu nước, các doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. Các doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Thủ tướng, có nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Đó là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới. Thông qua Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Việt Nam sẽ chắt lọc được nhiều ý tưởng tinh túy, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.

Trước câu hỏi được người dẫn chương trình đặt ra về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân và những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển trong những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn.

Thủ tướng dùng 10 từ cho khu vực này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem