Thủ tướng đồng ý thi chung, giữ nguyên 12 năm phổ thông

Tùng Anh Thứ hai, ngày 08/09/2014 10:53 AM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo về các vấn đề giáo dục trong năm học mới.
Bình luận 0

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ GDĐT về đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, sử dụng kết quả xét công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của các trường theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Về các phương án đổi mới thi được Bộ GDĐT đề xuất lấy ý kiến dư luận, Thủ tướng yêu cầu phải công bố công khai ngay trong đầu năm học mới 2014 - 2015, tránh tình trạng hoang mang cho học sinh. Phương án được lựa chọn chính thức phải đảm bảo được việc đánh giá có tính khách quan nhất, tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao. Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, phương án về kỳ thi chung sẽ được quyết định và công bố trong 1 - 2 tuần tới, sau khi chốt phương án thi sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thực hiện thi cử, quy chế thi…

Chỉ đạo về vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên hệ thống 12 năm gồm tiểu học 5 năm, THCS 4 năm, THPT 3 năm. Từ sau THCS phải phân luồng THPT và định hướng nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được phân theo 3 cấp trình độ: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp huyện thành một trung tâm thống nhất đảm nhận các chức năng giáo dục thường xuyên, dạy nghề và hướng nghiệp trên các địa bàn. Giáo dục ĐH xây dựng theo hai hướng là định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, ứng dụng thực hành; đào tạo sau ĐH gồm thạc sĩ, tiến sĩ áp dụng cho cả hai hướng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tách riêng chương trình với sách giáo khoa, thực hiện chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Việc biên soạn sách giáo khoa có hai phương án: Bộ GDĐT tổ chức biên soạn 1 bộ sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách riêng hoặc các cá nhân biên soạn sách Bộ GDĐT thẩm định, cho phép sử dụng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem