Ngày 16.2, tại TP.Huế diễn ra Hội nghị phát triển du lịch Miền Trung và Tây Nguyên.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên; các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp; chuyên gia kinh tế, du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm gần đây, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Trong khu vực đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…
Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch tiêu biểu đã hình thành như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây kết nối các nước Myanmar, Lào, Thái Lan với các tỉnh miền Trung, Việt Nam; các chương trình du lịch như: "Ba quốc gia - một điểm đến", chuỗi các sản phẩm du lịch biển, đảo - du lịch sinh thái của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…
Ông Thọ cho hay, trong năm 2018, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 28% khách quốc tế cả nước), tổng thu từ du lịch là hơn 110.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước).
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị.
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Trong đó, nổi lên những tồn tại đáng lưu ý như lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, đa số tập trung ở các điểm đến như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…; tổng doanh thu từ du lịch còn thấp; chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu; tính liên kết trong phát triển du lịch còn yếu…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, du lịch 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả rất đáng mừng nhưng còn nhiều việc phải làm trong thời gian đến. Thủ tướng nhắc lại những chuyện xấu xí của du lịch Việt Nam như tình trạng "chặt chém" du khách, vấn nạn taxi dù, chèo kéo bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, lừa đảo khách du lịch…
“Ở miền Trung, tiềm năng lớn như vậy nhưng phải triệt tiêu những từ khóa như “chặt chém”. Hiện có 3,74 triệu tin bài liên quan từ khóa “chặt chém” này. Nhà hàng ở TP.Nha Trang bán đĩa trứng xào cà chua 500.000 đồng có phải là hiện tượng xấu không? Rồi xích lô đi lòng vòng lúc đầu đưa giá 20.000 đồng sau lấy 200.000 đồng…”, Thủ tướng nêu ví dụ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng "chặt chém" du khách như trên đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam, đất nước Việt Nam anh hùng trong mắt bạn bè thế giới.
“Việc này không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, đến khả năng thu hút đầu tư”, Thủ tướng nói thêm.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương miền Trung - Tây Nguyên phải tăng cường các giải pháp để du lịch khu vực này độc đáo hơn, hấp dẫn hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, nhiều dịch vụ tốt hơn, hoạt động phong phú hơn, hỗ trợ tốt hơn, giá cả phải chăng hơn...
Theo Thủ tướng, tất cả những vấn đề trên là yếu tố quyết định bền vững du lịch Việt Nam, trước hết là khu vực trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.