Thủ tướng Israel cảnh báo Mỹ không được khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran
Thủ tướng Israel cảnh báo Mỹ không được khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran
Thứ hai, ngày 21/06/2021 20:08 PM (GMT+7)
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã thể hiện sự đồng tình với người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, từng bị Mỹ từ bỏ vào năm 2018.
Người đứng đầu chính phủ mới đắc cử của Israel, Thủ tướng Naftali Bennett, cho biết hôm 20/6 rằng đất nước của ông sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn Iran mua vũ khí hạt nhân và kêu gọi Mỹ không khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã bị chính quyền Trump từ bỏ từ năm 2018.
Bennett bắt đầu với những lời nhận xét chỉ trích đối với tổng thống Iran mới đắc cử, Ebrahim Raisi, gọi ông là "tay sai tàn bạo".
"Tôi có thể nói rằng cuộc bầu cử của Raisi là cơ hội cuối cùng để các cường quốc trên thế giới thức tỉnh và hiểu được họ đang làm ăn với ai", ông nói trong bài phát biểu trước nội các, trích dẫn bởi Reuters. "Những kẻ tay sai tàn bạo không bao giờ được phép có vũ khí hủy diệt hàng loạt, và lập trường của Israel về điều này sẽ không thay đổi".
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 ở Iran đã kết thúc vào tối ngày19/6, trong đó Raisi giành được 17,9 triệu phiếu bầu với tỷ lệ cử tri đi bầu là 48,8%.
Bennett, người nhậm chức vào ngày 13/6 với tư cách là thủ tướng thứ 13 của Israel, được cho là đồng tình với quan điểm của người tiền nhiệm Netanyahu rằng hoạt động hạt nhân của Iran đang gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Israel, mặc dù Iran đã kiên quyết khẳng định rằng họ không chủ động tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Mặc dù mục đích chính của thỏa thuận hạt nhân là đưa ra các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran và đảm bảo mục đích hòa bình của nước này, thế nhưng Tel Aviv cũng phản đối thỏa thuận mang tính bước ngoặt, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), có hiệu lực vào năm 2016, kêu gọi các biện pháp hạn chế rộng rãi hơn bao gồm một số "hoạt động gây bất ổn" của Iran ở Trung Đông, bao gồm cả việc Tehran bị cáo buộc hỗ trợ "các nhóm khủng bố" trong khu vực và nỗ lực gây ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ. Iran đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Tel Aviv.
Các cuộc đàm phán về tương lai của JCPOA đã tiếp tục kể từ tháng 4, khi chính quyền hiện tại của Mỹ và Iran bày tỏ ý định đưa hiệp ước này trở lại hoạt động. Không rõ thỏa thuận ban đầu có thể được sửa đổi ở mức độ nào, nhưng cả hai bên, cho đến nay, đã đặt ra các điều kiện của họ - Iran yêu cầu loại bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, trong khi Mỹ yêu cầu nước cộng hòa Hồi giáo này quay trở lại nghĩa vụ hạt nhân của họ trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Iran và các bên tham gia khác của thỏa thuận, bao gồm Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc, đang được tổ chức tại Vienna, với các đại diện của Mỹ tham gia vào những cuộc tham vấn riêng biệt. Với vòng đàm phán thứ sáu kết thúc hôm 20/6, đại diện Nga cho rằng lần tiếp theo có thể là lần cuối cùng, vì các bên đã gần đạt được thỏa thuận.
Iran từ lâu đã kêu gọi các bên ký kết JCPOA khác đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, sau khi chính quyền Trump đơn phương rút nước này ra khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp dụng lại một chế độ trừng phạt nghiêm khắc, mặc dù cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ cho biết rằng Iran đã hoàn toàn tuân thủ JCPOA.
Iran đã từ bỏ một số điều kiện của thỏa thuận trong những tháng gần đây và tuyên bố sẵn sàng đảo ngược các hành động của mình đối với một thỏa thuận hạt nhân mới. Nước này nhiều lần nhấn mạnh đến tính hòa bình của việc nghiên cứu hạt nhân, đồng thời khẳng định rằng nước này sẽ không theo đuổi việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.