Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với Thanh niên Việt Nam: Loạt câu hỏi "nóng" được đặt ra
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên Việt Nam: Nhiều vấn đề "nóng"
Tào Nga
Thứ ba, ngày 26/03/2024 10:28 AM (GMT+7)
"Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" là chủ đề cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thanh niên năm 2024.
Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cuộc đối thoại diễn ra bằng hình thức trực tiếp, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Năm nay, chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" với hai lý do cơ bản: Một là Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện. Đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần năm sẵn sàng như như thông điệp của Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên tại chương trình đối thoại năm 2023. Đây là năm thứ 2 chương trình được tổ chức sau khi có Luật Thanh niên năm 2020.
Loạt câu hỏi "nóng" được thanh niên đưa ra
Trong buổi gặp mặt, nhiều câu hỏi của thanh niên đã được đưa ra. Em Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, đặt câu hỏi: "Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?".
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ( Bộ TTTT) Nguyễn Huy Dũng trả lời: "Tôi là cựu học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Con số thống kê và bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.
Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Trong khuôn khổ hôm nay tôi xin chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra.
Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng. Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản. Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây chúng tôi tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời chúng tôi cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.
Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay: "Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản. Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc.
Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng, thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.
Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.
Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội gửi đến buổi đối thoại câu hỏi: "Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đã trả lời: "Như chúng ta đã biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia. Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.
Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.
Về nội dung bạn hỏi có 2 giải pháp, chúng tôi xin được nói ngắn gọn như sau: Về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dễ hiểu.
Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ. Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính. Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số".
Tham dự chương trình năm nay có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và khoảng 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân trẻ, công nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị; thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo và thanh niên khuyết tật.
Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.