Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bình Dương về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 03/12/2022 15:27 PM (GMT+7)
Sau khi khảo sát các dự án trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận 0

Bình Dương đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2022

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chủ động của chính quyền, cùng nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên kinh tế, xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%; GRDP bình quân đầu người đạt kế hoạch (169,8 triệu đồng).

Người dân mua sắm ở siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Người dân mua sắm ở siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ của tỉnh đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD; tăng 9% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021.

Dự kiến giải ngân đầu tư công cả năm 2022 của Bình Dương đạt trên 95% kế hoạch.

Năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu GRDP tăng 8,5-8,7% so với năm 2022.

Bình Dương sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Một nhà máy chế biến gỗ ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Một nhà máy chế biến gỗ ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Đồng thời, Bình Dương phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số.

Các dự án hạ tầng trọng điểm ở Bình Dương

Sáng cùng ngày (3/12), Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương, nhất là các công trình kết nối vùng.

Tại TX.Tân Uyên, Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch và tiến độ chuẩn bị triển khai xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đây sẽ là dự án cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước.

Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương. Ảnh: T.L

Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương. Ảnh: T.L

Dự án có tổng chiều dài tuyến là 69km, từ nút giao Gò Dưa - TP.HCM đến Quốc lộ 14 - tỉnh Bình Phước. Hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện. Trong đó, đoạn qua Bình Dương dài 60,25km. Hiện Bình Dương đã đầu tư 14,5km với quy mô 6-8 làn xe. 

Thủ tướng cũng nghe báo cáo về một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác như: tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải, Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên - Thành phố Mới Bình Dương - Bàu Bàng; dự án Vành đai 3, Vành đai 4 qua địa bàn Bình Dương; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và khu công nghiệp Bàu Bàng...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, phương hướng phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị xác định cần thiết phải hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, Bình Dương cũng đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai, cao tốc này, nhằm tạo không gian phát triển mới với nhiều dư địa.

Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn hoàn thiện trục giao thông kết nối cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn hoàn thiện trục giao thông kết nối cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Theo lãnh đạo tỉnh, điều này sẽ giúp Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.

Đồng thời, qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Điều này thể hiện qua việc Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3, và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh.

Các tuyến vành đai cũng được tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.

Theo tỉnh ủy Bình Dương, điều đặc biệt là những tuyến đường này được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực và hoàn thiện từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem