Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận có cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng

Đức Cường Thứ bảy, ngày 16/04/2022 10:56 AM (GMT+7)
Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều cán bộ lãnh đạo bộ, ngành trung ương đã về dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992-1/4/2022) và 47 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2022) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022).
Bình luận 0

Nền kinh tế tỉnh Ninh Thuận đã tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, đưa tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng gần 70 lần so với thời điểm mới tái lập (1/4/1992); từ một tỉnh nghèo đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình của cả nước. 

Nhân dịp này tỉnh Ninh Thuận đón nhận Huân chương lao động Hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nguồn năng lượng tái tạo, đóng góp vào sự phát triển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận có cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động Hạng nhất cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Ninh Thuận chuyển mình bứt phá ngoạn ngục

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, 30 năm qua, với quyết tâm biến cái bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, tỉnh Ninh Thuận đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ tỉnh có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, đến nay nền kinh tế của tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ, tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" - Ảnh 1.

Hạ tầng đô thị tỉnh Ninh Thuận đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ảnh chụp quần thể Quảng trường - Tượng Đài - Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Trần Duy)

Đến cuối năm 2021 vừa qua, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng gần 70 lần so với năm 1992, tăng bình quân gần 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước sau 30 năm đổi mới. Từ một tỉnh nghèo có thu nhập thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình. Nền kinh tế phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tỉnh Ninh Thuận đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 50 lần so với thời điểm mới tái lập (1992). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, từ hơn 30 tỷ đồng năm 1992 lên hơn 4 ngàn tỷ đồng vào năm 2021, bình quân tăng trên 18%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 68 tỷ đồng lên gần 30.000 tỷ đồng năm 2021, bình quân tăng 23%/ năm. Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, với chủ trương phát triển nông nghiệp một cách sáng tạo và phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước và thực tiễn của địa phương, theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá nhanh, bình quân đạt gần 7%/năm. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận có cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Nhờ chủ động được nguồn nước và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mà nhiều cánh đồng khô hạn đã được xanh hóa với những cây trồng đặc thù của tỉnh: nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam... với thu nhập trên 130 triệu đồng/năm/ha đất canh tác.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, đến nay toàn tỉnh có 29/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03/07 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi tới các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển đã góp phần hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận có cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng - Ảnh 4.

Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh là dịp để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang và đánh giá những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được. (Ảnh: Đ.C)

Thủ tướng cho rằng Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng, nhất là chủ trương của Chính phủ về đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực; việc xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng và năng lượng tái tạo của cả nước.

Do đó, Ninh Thuận phải tiếp tục đoàn kết, phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ninh Thuận có cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đ.C)

"Ninh Thuận cần rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, lãng phí, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo, các dự án Cảng biển tổng hợp, Tổ hợp điện khí và Khu công nghiệp Cà Ná. Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng và trên cả nước, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mang tính kết nối cao với các tỉnh trong khu vực. Đề xuất các cơ quan có liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng kéo dài của tỉnh." Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Sau khi được giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Thuận được thành lập, nhanh chóng ổn định tình hình và đời sống của Nhân dân. Từ tháng 02/1976 đến năm 1991, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy được sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Kể từ ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Việc chia tách 2 tỉnh là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đã đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận. Việc tái lập tỉnh là cơ hội tốt để Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem