Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS: Lựa chọn của Việt Nam trong thế giới đầy biến động
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược
PV (Theo VGP)
Thứ năm, ngày 12/05/2022 08:34 AM (GMT+7)
Trong bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, cùng có lợi, cùng thắng.
Chiều 11/5 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ.
"Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn"
Trong bài phát biểu với chủ đề "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam với tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia chúng ta mà còn của toàn nhân loại.
Chúng ta rất vui mừng chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ. Mối quan hệ đó đã "đơm hoa kết trái" với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới. Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước.
Trong Thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước chúng ta đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.
Với mong muốn nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Thủ tướng chia sẻ về 3 nội dung lớn.
Một là, cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay;
Hai là, vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay;
Ba là, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: Khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới.
Thủ tướng nêu rõ: Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình. Thủ tướng khẳng định, khát vọng phát triển của Việt Nam gắn với khát vọng phát triển của cả thế giới.
Thủ tướng chia sẻ và khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế:
Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.
"Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.
Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng", Thủ tướng phát biểu.
Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông - một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Công, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.
Trong những vấn đề như Ukraine, đại dịch COVID-19, trong việc chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đều có những quan điểm, cam kết vững chắc, trách nhiệm.
Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình
Thủ tướng khẳng định: Muốn đi xa phải có bạn. Không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới, từ những ngày đầu thành lập nước, đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Trong Thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ".
Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau. Trước hết là hai bên có sự chân thành chia sẻ, tập trung, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh để nhân dân hai nước được cảm thông, chia sẻ những mất mát, cùng hướng đến tương lai.
Với việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng, hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, giao lưu nhân dân… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.
Cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới - đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong quá trình đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bền vững, ổn định trong một thế giới nhiều biến động.
Tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là những lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh hàng đầu thế giới. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường quy mô lớn, phong phú và đa dạng, tạo nền tảng tốt thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Sự kết hợp giữa thế mạnh của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
"Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua. Tôi tin tưởng rẳng, đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới đây", Thủ tướng nói.
Sau bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải đáp một số câu hỏi của các thính giả. Trong đó, về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Hoa Kỳ và các đối tác trao đổi để làm rõ nội hàm cụ thể, các công việc, lộ trình, bước đi… trong khuôn khổ này, trong đó, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những nội dung phục vụ cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là vì lợi ích nhân dân hai nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.