Thủ tướng lên đường dự cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ và thăm, làm việc tại Hoa Kỳ
Thủ tướng lên đường tới Hoa Kỳ: Chuyến đi của sự tin cậy, hợp tác
PV
Thứ ba, ngày 10/05/2022 21:19 PM (GMT+7)
Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr; đồng thời thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ sẽ diễn ra từ 12 - 13/5/2022 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển hết sức tốt đẹp sau 45 năm.
Hoa Kỳ tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì như ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+); cam kết ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tháng 7/2009.
Hai bên đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng,…; tổ chức Diễn tập Hàng hải ASEAN-Hoa Kỳ lần đầu tiên tháng 9/2019, Đối thoại Chính sách mạng ASEAN-Hoa Kỳ lần đầu tiên tháng 10/2019.
Về kinh tế, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 308,3 tỷ USD và tổng FDI vào ASEAN đạt 34,7 tỷ USD vào năm 2020. Các Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế và các Quan chức Cao cấp về Kinh tế ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai bên.
Hợp tác kinh tế, thương mại hai bên hiện được triển khai thông qua Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN- Hoa Kỳ (TIFA) và Chương trình làm việc về Sáng kiến hợp tác kinh tế mở rộng (E3), tập trung thúc đẩy hỗ trợ thương mại, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, sáng tạo và kinh tế số…
Hoa Kỳ triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN-Hoa Kỳ (US-ASEAN Connect) và tổ chức các chương trình Hội thảo thương mại ASEAN-Hoa Kỳ và Chương trình thực tập ASEAN-Hoa Kỳ nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tạo cơ hội cho sinh viên ASEAN có kinh nghiệm làm việc, thực tập tại các công ty Hoa Kỳ.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội, hợp tác phát triển hai bên cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả.
Hợp tác trong ứng phó với Covid-19 được chủ động triển khai ngay khi mới bùng phát. Hai bên đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nâng cao năng lực, hỗ trợ nhau khắc phục những hậu quả kinh tế-xã hội của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững.
Hoa Kỳ công bố các đề xuất, sáng kiến hợp tác hỗ trợ ASEAN ứng phó COVID-19 như Sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN, lập Nhóm Đặc trách Phòng chống và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, lập Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN-Hoa Kỳ; công bố đóng góp 500.000 đô-la Hoa Kỳ cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19 và cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN (ACRF). Đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ công bố đã cung cấp hơn 42 triệu liều vắc xin và hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho các nước ASEAN nhằm ứng phó COVID-19.
Nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam ngày 24-26/8/2021, Hoa Kỳ đã tổ chức Lễ khai trương Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội vào ngày 25/8/2021.
Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng
Sau khi dự Cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ cho tới ngày 17/5.
FB Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết: Chiều nay Đại biện lâm thời Melissa Bishop đã gặp gỡ đoàn đại biểu của Thủ tướng tại sân bay Nội Bài và gửi lời chúc Thủ tướng có chuyến công tác thành công.
Quan hệ Việt – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai bên duy trì tiếp xúc và điện đàm ở các cấp, đặc biệt ta tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng LHQ (9/2021) và các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề COP26 (10/2021). Ta đón thành công nhiều đoàn Hoa Kỳ thăm Việt Nam.
Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”, tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng , y tế, năng lượng.
Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước nhân dịp dự ĐHĐ/LHQ (20 – 24/9/2021), doanh nghiệp hai nước đã trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị gần 30 tỷ USD. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các Ban, ngành liên quan của Việt Nam đều đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ trong tháng 3/2022 để lắng nghe và chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ các quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, duy trì mức độ tin tưởng vào môi trường đầu tư - kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...
Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số.
Hợp tác an ninh – quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải.
Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ. Hiện nay Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.
Hợp tác y tếvà ứng phó Covid-19 tiếp tục là điểm sáng,đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.
Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vắc-xin, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX. Phía Hoa Kỳ chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc-xin Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Hoa Kỳ sản xuất và phối hợp chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước tiếp tục phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mê Công, Myanmar, Triều Tiên, phòng chống đại dịch Covid-19; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.