Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện 180 ngày hành động để gỡ "thẻ vàng" IUU của EC

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 06/12/2022 05:32 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU, trong đó phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân.
Bình luận 0

Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam (từ ngày 23/10/2017) về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC.

Đến nay, trên cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 95,27% (tăng 5,01% so với năm 2021). Đánh dấu tàu cá được 88.545/91.716 tàu (đạt 96,5%). Tổng số tàu cá đã giảm 5,1% (từ 96.609 chiếc năm 2019 đến nay còn 91.716 chiếc), trong đó tàu cá từ 15m trở lên giảm 4% (từ 31.297 chiếc năm 2019 đến nay còn 30.074 chiếc).

180 ngày hành động để gỡ “ thẻ vàng” IUU - Ảnh 1.

Ngư dân đưa cá cập cảng ở Bình Thuận sau chuyến đánh bắt. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện khuyến nghị của EC

Tại hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã từng bước thực hiện tốt; công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng. 

Đối với việc thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như Phú Yên, Tiền Giang.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay các địa phương vẫn chưa hoàn thành 100% việc thực hiện đăng ký (đạt 82%), đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản (đạt 64,4%), lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá (đạt 95,3%), chưa cập nhật đẩy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Tính đến tháng 11/2022 xảy ra 412 lượt tàu trên 24m mất kết nối VMS thì 108 lượt tàu/8 tỉnh chưa xử lý đến cùng (chiếm 26,21%), 46 lượt tàu/9 tỉnh không phản hồi kết quả xử lý (chiếm 11,16%).

Đáng lo ngại là, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp, chưa thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao (chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 30/12/2021).

Từ đầu năm 2022 đến nay xảy ra 75 vụ/104 tàu/919 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang) và EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này.

Tăng cường kiểm tra

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến tháng 4/2023) có kết quả tốt, sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến tháng 4/2023. Theo đó, Bộ NNPTNT khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại các bộ, ngành và địa phương, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 31/3/2023. 

Bộ Công an điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem