Thủ tướng Sri Lanka ra lệnh cho quân đội làm 'bất cứ điều gì cần thiết' để duy trì trật tự

Lê Phương (Guardian) Thứ năm, ngày 14/07/2022 13:15 PM (GMT+7)
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Sri Lanka hôm 13/7 sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy đến Maldives trên một chiếc máy bay quân sự. Cả ông và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều không chính thức từ chức, khiến đất nước rơi vào hỗn loạn chính trị.
Bình luận 0
Thủ tướng Sri Lanka ra lệnh cho quân đội làm 'bất cứ điều gì cần thiết' để duy trì trật tự - Ảnh 1.

Người biểu tình Sri Lanka tiến vào dinh thủ tướng. Ảnh: Guardian

Sau sự ra đi bí mật của ông Rajapaksa, một quan chức Sri Lanka nói rằng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã được Rajapaksa bổ nhiệm làm quyền tổng thống.

Wickremesinghe tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi những người biểu tình đột nhập văn phòng thủ tướng và chiếm lấy đài truyền hình nhà nước. Ông nói rằng ông đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội làm những gì cần thiết để duy trì trật tự.

Trong một bài phát biểu vào chiều 13/7, người phát biểu của quốc hội cho biết tổng thống Rajapaksa sẽ nộp đơn từ chức vào cuối ngày, nhưng khi nửa đêm đến gần, không có đơn từ chức nào xuất hiện.

Những người biểu tình đã yêu cầu cả Rajapaksa và Wickremesinghe từ chức, tức giận trước thông báo rằng Wickremesinghe hiện là quyền tổng thống. Hàng nghìn người tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng.

Ông Wickremesinghe mới nhậm chức thủ tướng chỉ hai tháng trước nhưng đã bị cáo buộc ủng hộ chế độ Rajapaksa. Yêu cầu từ những người biểu tình là ông phải từ chức ngay lập tức để nhường chỗ cho một chính phủ mới.

Hình ảnh gợi nhớ đến cuối tuần trước, khi những người biểu tình chiếm dinh thự và văn phòng của tổng thống. Vào hôm 13/7, đám đông đã cố gắng phá vỡ hàng rào quân đội và xông vào văn phòng của Wickremesinghe. Khi lực lượng vũ trang tới, mọi người đổ ra các hành lang và vẫy cờ từ ban công.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị quyền tổng thống, Wickremesinge đã mô tả những người biểu tình chiếm giữ văn phòng của ông là "những kẻ phát xít" và "những kẻ cực đoan" đang cố gắng "xé bỏ hiến pháp".

"Chúng ta phải chấm dứt mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít đối với nền dân chủ", Wickremesinge nói khi ra lệnh cho quân đội tiến vào.

Shanakiyan Rasamanickam, một nghị sĩ từ Liên minh Quốc gia Tamil, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Ông nói: "Họ không thể chỉ đứng nhìn và chờ đợi cho đến khi bạo lực diễn ra, họ cần thúc giục thủ tướng từ chức để một người được người dân tin tưởng tiếp quản".

Vào cuối ngày 13/7, những người biểu tình đã bao vây tòa nhà quốc hội. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, và lực lượng vũ trang đã phải sử dụng hơi cay vào đám đông.

Tổng thống Rajapaksa, phu nhân và hai nhân viên an ninh đã rời khỏi đất nước vào đầu giờ sáng 13/7 sau khi ông triệu tập quyền hành pháp và lên máy bay quân sự đến Maldives. "Theo quy định của hiến pháp và theo yêu cầu của chính phủ, lực lượng không quân Sri Lanka đã cung cấp một máy bay vào sớm hôm nay để chở tổng thống, phu nhân cùng hai quan chức an ninh tới Maldives", một tuyên bố cho biết. Họ đến Malé, thủ đô Maldives, lúc 3 giờ sáng (giờ địa phương).

Những người biểu tình, nhà hoạt động và luật sư đã kêu gọi truy tố tổng thống cùng với nhiều thành viên khác nhau trong gia đình Rajapaksa vì cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, khi vẫn là tổng thống, Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ bị bắt. 

Người dân tỏ ra tức giận khi tổng thống bỏ trốn, khiến Sri Lanka rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sonali Udara, 27 tuổi, nói: "Tôi rất tức giận, không nói nên lời. Chúng tôi không đủ tiền để ăn uống hay chăm sóc gia đình. Tôi muốn có một tương lai tốt đẹp hơn thế này".

Cuộc chạy trốn của Rajapaksa kéo dài 24 giờ đầy kịch tính, ông đã thử nhiều cách rời khỏi đất nước nhưng không thành công. Tổng thống Sri Lanka đã bị chặn lên chuyến bay đến Dubai vào tối 11/7 sau khi nhân viên từ chối đóng dấu vào hộ chiếu của ông trong khu vực VIP của sân bay. Ấn Độ cũng từ chối cho phép máy bay của ông hạ cánh trên đất của họ.

Gotabaya Rajapaksa đã bác bỏ những lời kêu gọi từ chức trong nhiều tháng, trong bối cảnh Sri Lanka ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính. Rajapaksa cùng 5 thành viên trong gia đình từng giữ các chức vụ cấp cao trong chính phủ bị cáo buộc tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém khiến đất nước không còn ngoại tệ để nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, đồng thời đẩy lạm phát lên mức kỷ lục. Theo Liên Hợp Quốc, hòn đảo 22 triệu dân này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem