Thủ tướng, Tổng thư ký LHQ ra thông điệp nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh đầu tiên do Việt Nam đề xuất
Thủ tướng, Tổng thư ký LHQ ra thông điệp nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh đầu tiên do Việt Nam đề xuất
V.N
Chủ nhật, ngày 27/12/2020 07:42 AM (GMT+7)
Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết lấy Ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Nghị quyết góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng và sự cần thiết, cấp bách của việc phòng ngừa, hợp tác, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh đầu tiên hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sáng kiến của Việt Nam đề xuất ngày này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Điều này cho thấy sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đây là một dấu son thành công của chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam".
Thủ tướng kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân nhiệt liệt hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, trong đó đặc biệt quan tâm những nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu, với Liên Hợp Quốc (LHQ) giữ vai trò trung tâm, nhằm đẩy lùi Covid-19, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh.
Thứ hai, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Trước mắt cần bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 với giá cả hợp lý.
Thứ ba, chủ động thích ứng trong giai đoạn "bình thường mới", triển khai đồng bộ và hài hòa các giải pháp bảo đảm phòng chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế...
"Việt Nam tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của người dân mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói - Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó".
Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonino Guterres nhân ngày này cho biết: Covid-19 đã giết chết hơn 1,7 triệu người, các nền kinh tế bị tàn phá, các xã hội chưa phát triển và phơi bày các lỗ hổng của thế giới theo những cách rõ ràng nhất, giá trị của việc chuẩn bị khẩn cấp về y tế đã trở thành gia đình hơn bao giờ hết. Ông cảnh báo: "Có thể dễ dàng tưởng tượng một loại virus vừa lây nhiễm nhưng thậm chí còn gây chết người hơn".
Tổng Thư ký LHQ cho rằng: Chuẩn bị là một khoản đầu tư đúng đắn, chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp. Các xã hội cần hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, bao gồm cả bảo hiểm y tế toàn dân. Mọi người và gia đình cần được xã hội bảo trợ nhiều hơn. Các cộng đồng trên tiền tuyến cần được hỗ trợ kịp thời. Các quốc gia cần hợp tác kỹ thuật hiệu quả hơn. Và chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc người và gia súc xâm phạm môi trường sống của động vật; 75% các bệnh truyền nhiễm ở người mới và đang nổi lên là bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Nhân dịp này, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ra thông điệp trong đó nhấn mạnh: Với đầu tư vào y tế công, được các chính phủ và các xã hội ủng hộ, chúng ta có thể đảm bảo rằng trẻ em của chúng ta được sống trong một thế giới an toàn và bền vững hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.