Động thái của ông Kurz, người phủ nhận hành vi sai trái, đã làm hài lòng đối tác của ông trong liên minh cầm quyền, đảng Xanh và diễn ra chỉ 3 ngày trước một phiên họp đặc biệt của quốc hội, nơi họ đang chuẩn bị ủng hộ một động thái bất tín nhiệm có thể buộc ông rơi vào tình cảnh bị phế truất.
"Tôi muốn tạo điều kiện để chấm dứt tình trạng bế tắc, ngăn chặn sự hỗn loạn và đảm bảo sự ổn định", Thủ tướng Kurz giải thích lý do từ chức trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 9/10, nói thêm rằng sẽ là "vô trách nhiệm" nếu để Áo "rơi vào những tháng hỗn loạn hoặc bế tắc", trong khi đất nước gần 9 triệu dân đang chống lại đại dịch Covid-19.
Kurz trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới khi được bầu làm Thủ tướng Áo vào năm 2017, ở tuổi 31.
Việc từ chức của ông chỉ là vấn đề hình thức hơn là thực chất về mặt chính sách. Vì ông có kế hoạch tiếp tục làm lãnh đạo đảng của mình và trở thành nhà lập pháp hàng đầu của đảng trong quốc hội.
Cho đến nay, Kurz vẫn không gặp sự phản đối trong tư cách là lãnh đạo của đảng Nhân dân (OVP) khi ông vừa được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch đảng vào tháng 8 với sự ủng hộ 99,4%.
Kurz nói thêm rằng ông đang đề nghị Ngoại trưởng Alexander Schallenberg, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được đảng của ông hậu thuẫn lên làm thủ tướng. Ông Schallenberg là người mà đảng Xanh cũng chấp nhận.
La một "ngôi sao" trong số những chính khách bảo thủ ở châu Âu nổi tiếng với đường lối cứng rắn đối với vấn đề nhập cư, ông Kurz trở thành thủ tướng trẻ nhất châu Âu khi lên nắm quyền cuối năm 2017. Ông cũng là ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu hồi năm 2013, từng học luật tại Đại học Vienna và hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Áo.
Hồi năm 2019, liên minh cầm quyền của Kurz với đảng Tự do cực hữu từng sụp đổ do đồng minh của ông liên quan đến một bê bối tham nhũng. Tuy nhiên, đảng OVP lại giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sau đó. Liên minh giữa OVP và đảng Xanh lên nắm quyền từ tháng 1/2020.
Bình luận về động thái của ông Kurz, nhà phân tích chính trị Thomas Hofer cho biết: “Việc từ chức này không phải là một sự từ chức thực sự. Đó chỉ là lùi xuống hàng thứ 2 nhưng quyền lực trong OVP và nhóm chính phủ OVP vẫn thuộc về Sebastian Kurz".
Vụ từ chức xuất phát từ việc các công tố viên đã đưa Thủ tướng Kurz và 9 người khác vào diện điều tra vì tình nghi vi phạm tín nhiệm, tham nhũng và hối lộ với nhiều mức độ.
Bắt đầu từ năm 2016 khi Kurz đang tìm cách đảm nhận vị trí lãnh đạo đảng, các công tố viên đã nghi ngờ Bộ Tài chính do phe bảo thủ đứng đầu trả tiền cho các cuộc thăm dò và đưa tin có lợi cho ông Kurz lên truyền thông.
Lãnh đạo đảng NEOS, Beate Meinl-Reisinger, trong một tuyên bố sau khi Thủ tướng Kurz từ chức, cáo buộc rằng, Thủ tướng trẻ đã dùng tiền "mua bầu cử, thao túng và nói dối mọi người. Ông ấy đã làm tất cả bằng tiền thuế của bạn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.