Thủ tướng: Khẩn trương xây dựng đề án đào tạo cán bộ nữ
Thủ tướng yêu cầu Đề án quan trọng cho cán bộ nữ triển khai trong năm 2022
PVCT
Thứ hai, ngày 07/03/2022 15:11 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai ngay trong năm 2022.
Ngày 7/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến chính sách đối với công tác nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành hệ thống tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách, từ Hiến pháp, pháp luật cho đến các văn bản dưới luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhà nước đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW); từng bước luật hóa trong các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
Hiện nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng, cộng với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của chị em trong quá trình làm việc, công tác. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% nữ…
Với những cam kết, kết quả đó, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một khâu quan trọng
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân ta, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.
"Chúng ta còn băn khoăn, trăn trở bởi trong thực tế còn nhiều mảnh đời phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đời sống còn nghèo nàn, còn lạc hậu, mù chữ. Vẫn còn nhiều chị em phụ nữ bị bạo hành, bị xâm hại, phân biệt đối xử…, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Đặc biệt, chúng ta không khỏi đau lòng khi dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã để lại hàng ngàn cháu bé mồ côi, nhiều trẻ em không được đến trường học, nhiều phụ nữ khó khăn về việc làm, về nhà ở, về cuộc sống khi phải đối mặt với dịch Covid-19…", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm, chúng ta suy nghĩ và hành động như thế nào để giúp đỡ nhiều chị em vượt qua những rào cản về văn hóa, định kiến về giới, có điều kiện, cơ hội vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Trước mắt, cùng tập trung thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò quan trọng, không thể tách rời của chị em phụ nữ, nhất là đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp và nữ trí thức, văn nghệ sỹ.
Với mong muốn tập hợp, phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời khắc phục dần những bất cập liên quan đến công tác nữ và bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu ngay sau buổi gặp mặt, các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, rà soát toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền về các chính sách bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho nữ công nhân trong khu công nghiệp, nhất là chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học để chị em phụ nữ yên tâm lao động sản xuất và cống hiến.
Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài chính và các địa phương phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với nữ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa; chính sách đối với vận động viên nữ, các nữ văn nghệ sỹ…
Thủ tướng nhấn mạnh phải chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Vì vậy, cần xác định đây là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách (Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai ngay trong năm 2022.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (diễn ra từ ngày 9 đến 11/3) sẽ thành công rất tốt đẹp, tạo thêm động lực, khí thế mới để phong trào phụ nữ nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa; hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.