Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hóa chất, vật tư y tế
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hóa chất, vật tư y tế
Diệu Linh
Thứ bảy, ngày 25/02/2023 13:02 PM (GMT+7)
Thời gian qua, một số Bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... đã lên tiếng về tình trạng thiếu hóa chất, vật tư y tế. Bộ Y tế đã báo cáo và có đề xuất giải pháp với Chính phủ.
Bộ Y tế vừa có báo cáo về các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế và đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp tháo gỡ trước thực trạng thiếu hóa chất, vật tư y tế.
Kiến nghị cơ chế dự trữ thuốc hiếm
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Dẫn thực tế những khó khăn, vướng mắc Bộ Y tế cho biết, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19).
Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia.
Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu.
Kiến nghị gỡ khó với đấu đầu thuốc tập trung
Khó khăn, vướng mắc tiếp theo được Bộ Y tế chỉ ra là, đối với mua sắm thuốc tập trung, theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn:
- Chỉ lựa chọn 01 nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc nếu nhà thầu bị gián đoạn cung ứng, giảm tính cạnh tranh sau 1-2 lần đấu thầu.
- Chỉ có 1 hình thức duy nhất (đấu thầu rộng rãi) trong mua sắm tập trung, không thể áp dụng các hình thức mua sắm khác trong tình huống thiếu thuốc;
- Hình thức mua sắm trực tiếp chỉ áp dụng theo kết quả của đấu thầu rộng rãi, trong khi đó đàm phán giá là một hình thức mua sắm tập trung thì không được áp dụng kết quả để mua sắm trực tiếp.
Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng nêu rõ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như nghị định 63/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm nên các đơn vị lúng túng trong việc thực hiện.
Theo Bộ Y tế, khó nhất hiện nay là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt...
Do đó, Bộ Y tế kiến nghị:
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, nghị định 51/2017/NĐ-CP…
- Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, cụ thể đối với một số nội dung sau:
+ Quản lý giá trang thiết bị y tế: Bỏ quy ịnh về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất các các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
+ Đăng ký lưu hành trang thiết bị: Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo Nghị định quy định gia hạn thêm 01 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
+ Thu hồi trang thiết bị y tế: Sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
+ Quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất: Sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.
- Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như: Dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất; Bổ sung thêm trường hợp các chủ đầu tư đã sử dụng các hình thức tham khảo được quy định tại Thông tư số 68/2022/TT-BTC để xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không thực hiện được thì giao cho chủ ầu tư tự quyết định dự toán mua sắm để thực hiện (có thể chỉ cần tham khảo 1 báo giá).
- Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ để sửa đổi Nghị định 51/2017/NĐ- CP hướng dẫn Luật quản lý và sử dụng tài sản công; Nghị định số 29/2018/NĐ- CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
- Bộ Tài chính sớm sửa đổi Thông tư số 278/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là Bệnh viện Việt Đức không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường.
Bệnh viện Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ, nhưng vẫn rất khó khăn.
Về nguyên nhân, GS Giang cho biết, những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy là do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm.
Kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.
"Từ năm 2015, chúng ta đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó.
Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam.
Thế nhưng đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.
Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này. Nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm", GS Giang chia sẻ.
GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ thêm: "Tôi biết rằng đã có nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó.
"Chính vì vậy, đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm.
Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", GS Giang nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.