Thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ (số 129/TB-VPCP) nêu rõ, hiện TP.Đà Nẵng còn rất nhiều việc cũng như phải giải quyết các vấn đề cấp thiết khác.
Cụ thể, thông báo kết luận nêu rõ: TP.Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển nhanh, khá toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; trong tương lai phấn đấu trở thành thành phố thông minh, cạnh tranh được với các thành phố lớn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thành phố hiện phải làm rất nhiều việc như đầu tư phát triển khu vực phía tây thành phố, giải quyết các công việc cấp thiết (xây dựng bãi đỗ xe, xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm an sinh xã hội...) hơn là đầu tư xây dựng công trình hầm dự kiến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi ùn tắc giao thông có thể được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác và nguồn lực của thành phố còn hạn chế. Đồng thời, thành phố cần tham khảo kinh nghiệm từ bài học của dự án xây dựng hầm Thủ Thiêm ở TP.HCM. Do đó, thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về việc đầu tư công trình hầm qua sông Hàn và phải tạo sự đồng tình của nhân dân.
Hiện nay, Dự án hầm qua sông Hàn chưa có trong Quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ). Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.Đà Nẵng làm việc, thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.Đà Nẵng nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về việc đầu tư công trình hầm qua sông Hàn và phải tạo sự đồng tình của nhân dân.
Phối cảnh hầm chui qua sông Hàn.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngay khi thông tin về dự án hầm chui qua sông Hàn tạm dừng được đăng tải trên báo chí, giá đất tại vị trí xung quanh hai đầu hầm chui dự kiến xây dựng bắt đầu chững hoặc hạ giá. Nhiều người đầu cơ nhanh tay ôm đất sầu não bởi nguy cơ lỗ vốn. Hiện tại, tình cảnh hoạt động của giới đầu tư đất, "cò" đất tại vị trí xung quanh hai nút hầm chui khá buồn tẻ, im lìm.
Trước đó, thông tin chính thức tại cuộc họp báo ngày 21.12.2016, dự kiến để làm hầm chui qua sông Hàn, TP.Đà Nẵng sẽ tốn khoảng 5 ngàn tỷ đồng đầu tư, kể cả công tác đền bù giải tỏa.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chọn phương án hầm thẳng từ nút Đống Đa qua bờ Đông, sẽ phải tốn thêm ít nhất 800 tỷ giải phóng 210 hộ dân. Tuy nhiên, đó là phương án khả thi, mang tính tương lai. Còn ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói: “Làm cái công trình này là cho lộ trình mấy chục năm sau. Chủ trương là thế, nhưng để khởi công, phải đến 2018. Cuối năm nay, Ban Thường vụ sẽ họp lần nữa bàn phương án tài chính. Lúc đó mới quyết khi nào làm, tiền đâu mà làm”.
Dự án hầm chui qua sông Hàn ngay khi được đưa ra bàn thảo đã vấp phải rất nhiều phản đối của giới chuyên gia, KTS cũng như một số cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo của TP.Đà Nẵng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.