Theo đó, vào sáng ngày 8/8, tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021.
Khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.
9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh). Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Trong các chỉ số trên, Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số dẫn đầu và xếp hạng cao như: Hoạt động chính quyền số (xếp thứ nhất), an toàn thông tin mạng, hạ tầng số (xếp thứ 2), nhận thức số (xếp thứ ba)...
Có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số quốc gia trên toàn địa bàn tỉnh.
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019 - 2020 và 70% chỉ tiêu giai đoạn đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ.
Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp.
Tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc; đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là thành viên của các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.